Tham vấn Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 8,7% trong giai đoạn 2021 - 2030 để hiện thực hóa khát vọng đưa Tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong vùng; đến năm 2045, trở thành Tỉnh phát triển, thu nhập cao.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, Tỉnh lựa chọn kịch bản tăng trưởng với mục tiêu GRDP bình quân theo giá hiện hành của năm 2030 sẽ tương đương 85% mức của cả nước và vượt hơn so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cả giai đoạn 2021 - 2030, GRDP sẽ tăng trưởng bình quân 8,7%/năm.

Quyết tâm chính trị, môi trường kinh doanh được nâng lên ở tầm cao mới với mức độ cam kết rõ ràng. Kết cấu hạ tầng, điều kiện về đất đai mặt bằng cho phát triển công nghiệp được đầu tư đồng bộ mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là giao thông liên vùng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nối với Cà Mau và tuyến An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng được hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, tuyến cao tốc qua Kinh Cùng được hoàn thành trong giai đoạn từ 2030 - 2035.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng tập trung phát triển một cụm ngành chiến lược là cụm ngành kinh doanh nông nghiệp tổng hợp, bên cạnh việc phát triển một số lĩnh vực bổ trợ như chế tạo, linh kiện, phụ kiện, năng lượng; tập trung chiến lược thu hút một số doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn trong nước, song song với việc thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương; phát triển những vùng sinh thái công nghiệp quy mô lớn, tận dụng lợi thế kết nối vùng, đặc biệt là hai cao tốc chính của vùng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, xác định năng suất không phải yếu tố chủ đạo, mà quan trọng là phải tăng chất lượng, giá trị và đặc biệt là tăng tính liên kết, hỗ trợ phát triển đối với các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực đô thị nông thôn, tập trung phát triển 3 đô thị chính là Vị Thanh, Long Mỹ, Ngã Bảy và vùng đô thị công nghiệp Châu Thành. Mở rộng quy mô hệ thống đô thị bằng cách sáp nhập ranh giới hành chính những xã có đủ điều kiện, tăng tỷ lệ đô thị hoá. Đưa ra những mô hình đô thị sinh thái, kết hợp không gian nông nghiệp, không gian cảnh quan vào diện tích đô thị.

Đối với lĩnh vực du lịch, phát triển quy mô lớn dựa trên việc tập trung vào một số vùng, dự án du lịch trọng điểm ở khu vực sông Hậu, khu vực Vị Thanh và xung quanh Lung Ngọc Hoàng; bên cạnh đó, phát triển rộng du lịch sinh thái miệt vườn và du lịch sông nước, kênh rạch.

Để hiện thực hóa kịch bản này, Báo cáo đưa ra 4 khâu đột phá phát triển công nghiệp gồm: xây dựng cụm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và hoá dược; xây dựng vùng sinh thái công nghiệp; phát triển doanh nghiệp trong nước và thu hút doanh nghiệp FDI; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Hậu Giang đưa ra chiến lược phát triển “6T” (thế trục - thuận thiên - thị trường - tập trung - tích hợp - thu nhập)… Cùng với đó là khâu đột phá và giải pháp phát triển du lịch và các lĩnh vực khác.

Chuyên đề