Nhờ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể cả về công nghệ và sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: Việt Hưng |
Tuy nhiên, cần thêm giải pháp hỗ trợ để việc tham gia vào chuỗi giá trị mang đến lợi ích nhiều hơn, chứ không phải chỉ là thu “tiền lẻ”.
Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và hội nhập toàn cầu được áp dụng ở Việt Nam là những nhân tố chính, trong số nhiều chính sách khác, tạo nên thành tựu đáng chú ý của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ rưỡi qua trong việc tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Nhờ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể cả về công nghệ và sản phẩm xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô giảm rõ rệt, chủ yếu do giảm xuất khẩu dầu thô và chính sách kiểm soát xuất khẩu để hạn chế xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh, xu hướng gắn liền với các dự án đầu tư khổng lồ của một số công ty đa quốc gia hàng đầu, bao gồm Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Intel, đã chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất các sản phẩm điện thoại di động và máy tính bảng để xuất khẩu trên toàn thế giới.
Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, với sự phát triển nhanh về kinh tế, Việt Nam đang được chú ý đến với vai trò cơ sở sản xuất toàn cầu. Xu hướng đang nổi lên trong giai đoạn hiện nay là việc thành lập các nhà máy sản xuất và thay đổi địa điểm đặt nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản.
Việc doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài sẽ góp phần giúp Việt Nam đón được làn sóng mới này, tăng cường thu hút các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo nên những bước phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất. Đối với các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, việc thúc đẩy các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí sản xuất.
Theo ông Nobufumi Miura, trong chính sách về thu hút FDI, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam hiện nay tập trung vào các doanh nghiệp Việt cung cấp cấu kiện và sản phẩm cho các công ty nước ngoài, thay vì tập trung vào các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Ông Nobufumi Miura mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét các biện pháp khuyến khích cho công ty nước ngoài nếu các công ty này có tỷ lệ mua sắm trong nước cao, qua đó có thể khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên hơn. Đồng thời, cần tiếp tục các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt, trong đó, đơn giản hóa các quy trình hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thông qua, như quy trình trợ cấp để phát triển nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định trong Nghị định số 39/2018/ND-CP.
Ở góc độ khác, ông Phạm Minh Đức lưu ý, hai xu hướng lớn có thể phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu trong tương lai là sự tăng tốc của chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là tự động hóa, và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Những xu hướng này có thể dẫn đến việc đưa sản xuất trở về chính quốc, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh lợi thế so sánh về lao động giá rẻ ở các nước đang phát triển bao gồm Việt Nam có thể ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tự động hóa. Dù vậy, đại diện WB nhận định, thương mại và sự tham gia vào chuỗi giá trị vẫn là những yếu tố rất quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thành công.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione lưu ý hoạt động của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu mới chủ yếu ở khâu giữa là sản xuất, chế biến, trong khi năng suất chưa cao, nên đem lại giá trị gia tăng thấp. Khâu đầu và khâu cuối của chuỗi cung ứng là khâu nghiên cứu phát triển ra công nghệ, sản phẩm và dịch vụ sau sản xuất như bán hàng, marketing đem lại nhiều giá trị hơn. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn ra thế giới ngày càng nhiều thì trong bối cảnh tham gia nhiều hiệp định, nền kinh tế mở, Việt Nam sẽ phải tập trung nhiều hơn vào 2 khâu này, thay vì chỉ tập trung vào chế biến chế tạo.