Thẩm định Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 29/11, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch phát triển tỉnh Lai Châu đến 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng dựa trên các quan điểm, gồm: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt; phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chiến lược về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Tỉnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đến năm 2030, Tỉnh xác định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Về định hướng bố trí không gian và các trụ cột phát triển, tỉnh Lai Châu phát triển theo trọng tâm Một trục - Hai vùng - Ba trụ cột. Cụ thể, trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo Quốc lộ (QL) 32 - QL 4D - QL12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL 279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - TP. Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.

Vùng kinh tế của Tỉnh gồm: Vùng kinh tế động lực (gồm các huyện và thành phố: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu, và Phong Thổ) sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu. Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái Sông Đà (gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè) tập trung bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm của vùng là cao su, quế, mắc ca, dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.

Ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: Dịch vụ tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; Công nghiệp tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản; Nông nghiệp tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Theo ý kiến của đa số thành viên Hội đồng thẩm định, Quy hoạch tỉnh Lai Châu có nội dung quy hoạch cơ bản đáp ứng được yêu cầu đã xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, cần rà soát các nội dung tích hợp để đảm bảo có sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, bố trí không gian phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch với nội dung quy hoạch tỉnh; xem xét bổ sung nội dung cần tích hợp vào phương án phát triển ngành, lĩnh vực trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đảm bảo tính khái quát cao nhưng vẫn đầy đủ các nội dung cơ bản phục vụ cho công tác quản lý và đủ điều kiện để triển khai quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Chuyên đề