Thẩm định giá, tại sao tiềm năng chưa được khai phá?

(BĐT) - Thẩm định giá trị tài sản đang là một nghề có xu hướng phát triển trong nền kinh tế thị trường. Nghề thẩm định giá tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, dần khẳng định được vai trò trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tuy nhiên so với tiềm năng thì vẫn còn khoảng cách khá xa.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Số lượng tăng mạnh

Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, hoạt động đấu giá, đấu thầu…, hoạt động thẩm định giá đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Năm 2010 có 56 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá, 247 thẩm định viên hành nghề, thì đến năm 2011 đã có 69 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá, đạt mức tăng 23,2% so với năm 2010; số lượng thẩm định viên hành nghề tăng đột biến lên con số 339, đạt mức tăng 37,2% so với năm 2010. Tính đến nay, đã có hơn 210 công ty được cấp giấy phép kinh doanh về thẩm định giá và 1.452 người được cấp thẻ thẩm định viên về giá, trong đó tỷ lệ đăng ký hành nghề là gần 80%.

Số lượng hợp đồng thẩm định giá tại hầu hết các doanh nghiệp thẩm định giá liên tục tăng qua các năm, doanh thu từ hoạt động thẩm định giá cũng tăng theo. Đối tượng tài sản thẩm định giá tập trung chủ yếu vào bất động sản và máy, thiết bị (chiếm từ 80% đến 90%), còn lại là thẩm định giá trị doanh nghiệp, thẩm định các loại tài sản khác. 

Giá trị tài sản thẩm định giá liên tục tăng qua các năm. Theo tính toán sơ bộ, nếu như năm 2011 giá trị thẩm định đạt 768.722 tỷ đồng thì đến năm 2012 giá trị này đã tăng lên 1.251.283 tỷ đồng, năm 2013 giá trị thẩm định đạt 929.366 tỷ đồng, năm 2014 giá trị thẩm định đạt 1.356.420 tỷ đồng… Giá trị tài sản thẩm định có nguồn gốc từ nguốn vốn ngân sách nhà nước chiếm xấp xỉ 20%. Hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp trong 3 năm gần đây hầu hết có lợi nhuận dương.

Có thể thấy, thị trường thẩm định giá đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhu cầu thẩm định giá liên tục gia tăng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, như: mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế, cổ phần, tố tụng…, đặc biệt là sau khi khái niệm giá trị hợp lý được Quốc hội đưa vào Luật Kế toán 2015.

Vẫn còn khiếm khuyết

Cần xây dựng một cơ sở dữ liệu đủ mạnh nhằm bảo đảm thông tin cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động hoặc quan tâm đến lĩnh vực thẩm định giá
Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, hoạt động thẩm định giá hiện tại vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập. Tại những thương vụ thẩm định giá tài sản quy mô lớn, tính chất phức tạp, khả năng tham gia của các doanh nghiệp thẩm định giá Việt Nam chưa nhiều do kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chạy theo lợi ích trước mắt, xem nhẹ về nghiệp vụ chuyên môn. Khó khăn lớn nhất đối với các công ty thẩm định giá là việc thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu thông tin để đánh giá giá trị các tài sản thẩm định giá, cũng như tính không minh bạch của thị trường.

Để khắc phục yếu kém của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này cần được hoàn thiện, sớm ban hành quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng hoàn thiện và ban hành tiếp hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá, bởi đây chính là hành lang quan trọng cho lĩnh vực này. Ngoài ra, cần quy định danh mục tài sản nào khi thẩm định giá cần phải thông qua các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, cũng như quy định trách nhiệm của các tổ chức thẩm định giá, thẩm định viên khi tiến hành thẩm định giá.

Đặc biệt, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu đủ mạnh nhằm bảo đảm thông tin cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động hoặc quan tâm đến lĩnh vực thẩm định giá, như: thông tin về quy hoạch, về tính pháp lý của các tài sản phải đăng ký pháp lý, về giá cả, về điều kiện giao dịch… Chỉ có như vậy, hoạt động thẩm định giá mới diễn ra lành mạnh, kết quả thẩm định giá mới đáng tin cậy.

Chuyên đề