Xây dựng, phát triển các đô thị thông minh được xem là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế và đặc biệt là có thể giúp Việt Nam giải quyết được những thách thức hiện hữu.
Nhiều bất cập
Tại Hội thảo Các thành phố thông minh diễn ra ngày 27/9, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng đô thị còn thấp. Nhiều vấn đề nội tại như hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị chưa đạt so với yêu cầu; tốc độ xây dựng hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống dân cư đô thị.
Chỉ rõ bất cập này trong hoạt động giao thông đô thị, ông Nguyễn Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. Sự bùng nổ của các phương tiện giao thông cá nhân khiến ùn tắc giao thông tại các đô thị ngày càng nghiêm trọng. “Theo tính toán, mỗi ngày người dân Thủ đô bị ùn tắc từ 15 - 20 phút, ước tính thiệt hại gần 1 tỷ USD/năm; còn tại TP.HCM ước tính thiệt hại cũng lên tới 1,3 tỷ USD/năm”, ông Chung cho biết.
Từ bất cập nêu trên, các chuyên gia nhận định, xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại. Việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội.
Cần nhiều điều kiện để xây dựng thành phố thông minh
Để có thể xây dựng và phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Cường nêu rõ một số điều kiện cần và đủ cho vấn đề này. Thứ nhất là cần có khung pháp lý, kèm theo đó là các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia. Thứ hai là, công tác quy hoạch phải được thực hiện tốt, bởi sẽ rất khó khăn để phát triển thành phố thông minh nếu không quy hoạch thông minh. Thứ ba là phải thông minh trong lựa chọn các công nghệ thông minh, lĩnh vực ưu tiên nguồn lực…
Ông Cường cũng lưu ý, kinh phí xây dựng, phát triển một thành phố thông minh sẽ tốn kém hơn nhiều so với thành phố thông thường, do đó Chính phủ cần có chính sách đa dạng các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực từ khu vực tư nhân.