Thách thức mục tiêu tăng trưởng, lạm phát 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những nét chính về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chính phủ xác định năm 2023 có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Từ đó xác định tinh thần không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được và tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất trong năm tới.
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, CPI tăng khoảng 4,5%. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, CPI tăng khoảng 4,5%. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2023 Chính phủ xác định mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới...

Chính phủ báo cáo 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%...

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài…

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) cho biết, UBKT cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu theo báo cáo của Chính phủ. Đối với các chỉ tiêu chủ yếu, UBKT đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%. Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này…

UBKT lưu ý, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì các rủi ro vẫn còn hiện hữu khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, khả năng tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế. Qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, “sức khỏe” của rất nhiều doanh nghiệp bị bào mòn, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là hiện hữu.

UBKT lo ngại lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự báo. Năng lực cung ứng vốn cũng như hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp; hệ thống ngân hàng thương mại cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu, điều hành tỷ giá dự báo gặp nhiều khó khăn. Sự phục hồi của nền kinh tế cũng có thể gặp trở ngại do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, thậm chí có thể xảy ra suy thoái. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến sẽ làm tăng chi phí tài chính, có thể làm đảo chiều dòng vốn như đã thấy ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực.

Nhấn mạnh cần kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, UBKT cho rằng chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát. Việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng. Thận trọng với rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... Đối với chính sách tài khóa, nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Thường trực UBKT cho rằng, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm luôn hướng đích mục tiêu. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021. Ngoài ra, cần rà soát cụ thể các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, Chính phủ cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon… “Thúc đẩy cải cách thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% là rất thách thức, vì trên nền tăng trưởng rất cao của năm 2022 là 8%, đòi hỏi phải có sự đột phá rất lớn. Thêm với đó, kinh tế thế giới 2023 dự báo suy thoái, càng đặt ra thách thức lớn hơn.

Dù mục tiêu rất thách thức, nhưng ông Cường cho rằng có thể đạt được nếu duy trì được các điều kiện nền tảng cho ổn định vĩ mô. Đồng thời, đa dạng hóa, mở rộng thị trường nước ngoài, phát huy các động lực tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành du lịch và xuất khẩu.

Chuyên đề