Tác động của cải cách môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội |
Tạo dựng một môi trường kinh doanh tốt với chi phí thấp và ít rủi ro pháp lý cho DN là việc làm cần phải tính tới.
Một năm nhìn lại
Năm 2016 đã ghi nhận nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ thể hiện rất rõ quyết tâm đặt nước ta vào cuộc đua, cạnh tranh toàn thế giới về chất lượng môi trường kinh doanh. Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể là đưa môi trường kinh doanh của nước ta bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines). Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 còn đề ra mục tiêu cả nước phải có ít nhất 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020; từ đó quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo và lấy DN là đối tượng phục vụ.
Quy định về cấm các bộ, ngành và UBND tự ban hành điều kiện kinh doanh đã được quy định từ Luật DN năm 1999, Luật DN năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014, tuy nhiên trên thực tế, quy định này không được thực hiện triệt để. Năm 2016 ghi dấu một bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên Chính phủ đã thành công trong việc thực hiện được đúng và đầy đủ quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát sự “tùy tiện” quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh của các bộ, ngành và UBND.
Theo đó, từ ngày 1/7/2016, tất cả các điều kiện về đầu tư kinh doanh phải được ban hành dưới hình thức Nghị định, Pháp lệnh hoặc Luật; các điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành dưới hình thức Thông tư, Quyết định của UBND đều không còn hiệu lực thi hành. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Theo đó, đã bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện so với Danh mục trước đây.
Kết quả của những nỗ lực nói trên là môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 đã tăng 9 bậc so với năm trước đó, xếp thứ 82 trong số 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới khảo sát về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh. Sự thăng hạng này được đánh giá là nhờ sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí thương mại biên mậu, đóng thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Năm 2016 cũng ghi nhận sự thuận lợi hơn trong thực hiện một số thủ tục về đăng ký thành lập DN khi trong năm này, số lượng DN đăng ký thành lập mới lên tới 110.100 DN – một con số kỷ lục, vượt qua mốc 100.000 DN đăng ký thành lập mới trong 1 năm.
Thách thức phía trước
Kết quả đạt được của các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức năm 2017 và tiếp theo vẫn được dự báo là rất lớn.
Thứ nhất, tác động của cải cách là chưa đạt được so với mức kỳ vọng và mong muốn của cộng đồng DN và xã hội nói chung. Chất lượng môi trường kinh doanh vẫn đang ở mức trung bình trên thế giới; một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh đang ở mức yếu, kém như: nộp thuế xếp hạng 167/189, phá sản xếp hạng 125/189 nền kinh tế. Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN 4 mà Chính phủ đặt ra là chưa đạt được và còn cách một khoảng khá lớn. Mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là một thách thức không nhỏ nếu trong những năm tới, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 DN đăng ký thành lập mới.
Thứ hai, cạnh tranh giữa Chính phủ các nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển DN là rất mạnh mẽ. Nhiều nước xung quanh chúng ta đang đạt được kết quả cải cách rất tốt như Indonesia, Brunei,…
Thứ ba, hệ thống các quy định pháp luật về kinh doanh, DN vẫn là đòi hỏi cấp thiết cần tiếp tục cải cách. Vẫn còn rất nhiều quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh cho DN,… Đó là chưa kể việc thực thi các quy định pháp luật cũng còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian và chi phí cho DN.
Với nhiều thách thức đang chờ đón phía trước, bước sang năm 2017, nếu những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chỉ được tiếp tục duy trì ở mức như năm 2016 thì chúng ta sẽ đối mặt với việc không đạt được các mục tiêu như đã đặt ra; thậm chí sẽ đứng trước nguy cơ tụt hạng trên Bảng xếp hạng về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của toàn thế giới. Chính vì vậy, năm 2017, để đạt được kết quả tốt, đòi hỏi chúng ta phải có một quyết tâm và nỗ lực cải cách ít nhất bằng 3 lần năm 2016. Ngoài ra, một môi trường kinh doanh tốt là môi trường kinh doanh chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho DN cũng cần phải được tạo dựng. Tư duy và phương thức quản lý nhà nước là “quản bằng mọi giá” phải được thay đổi hoàn toàn bằng phương thức quản lý mới “thông minh hơn, rẻ nhất, ít gây tốn kém và phiền hà nhất cho DN”.