Tesla "bốc hơi" 199 tỷ USD vốn hoá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, cổ phiếu Tesla giảm 12% trong phiên giao dịch ngày 9/11, sau khi giảm 4,8% trong phiên đầu tuần. Đây là hai phiên liên tiếp giảm vốn hoá mạnh nhất của Tesla kể từ đợt bán tháo cổ phiếu của công ty này vào tháng 9/2020 - thời điểm Tesla phải đối mặt với một loạt tin xấu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những cú sụt giảm giá trị chóng mặt này xảy đến sau khi Elon Musk tuyên bố ý định bán bớt cổ phần trong Tesla để lấy tiền đóng thuế.

Sự căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi ông Musk mở cuộc thăm dò trên Twitter về việc liệu có nên bán 10% cổ phần vào cuối tuần qua và em trai Kimbal Musk nhanh chóng bán 88.500 cổ phiếu Tesla ngay trước sự kiện trên. Ngoài ra, Business Insider đưa tin, "huyền thoại The Big Short" Michael Burry cũng nói rằng Elon Musk muốn bán cổ phần để trả các khoản nợ cá nhân.

“Cổ phiếu Tesla đang được định giá ở mức quá cao so với giá trị thực trong dài hạn, và nhà đầu tư đang chật vật với mức định giá đó”, nhà phân tích Matt Portillo thuộc Tudor Pickering phát biểu.

Dù giảm mạnh trong hai phiên vừa qua, cổ phiếu Tesla vẫn tăng 45% trong năm nay và công ty này vẫn giữ được mốc vốn hoá trên 1 nghìn tỷ USD. Quý trước, Tesla ghi nhận kết quả kinh doanh đầy tích cực và hãng cho thuê xe Hertz cho biết đã đặt một đơn hàng lớn xe Tesla.

Matthew Maley, chiến lược gia thị trường tại Miller Tabak+, nhận định đợt bán tháo cổ phiếu Tesla là diễn biến bình thường và lành mạnh. Theo ông, đây chỉ là phản ứng với tình trạng "quá mua" (overbought).

Cú giảm tài sản 50 tỷ USD của ông Musk trong 2 ngày qua là lớn chưa từng có đối với một vị tỷ phú nào trong lịch sử xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index. Nếu tính trong một ngày, sự mất mát tài sản của ông Musk ngày 9/11 chỉ kém cú giảm 36 tỷ USD mà Jeff Bezos trải qua vào năm 2019 sau khi tuyên bố ly hôn.

Tuy nhiên, ông Musk vẫn đang là người giàu nhất thế giới và có nhiều hơn 83 tỷ USD so với ông Bezos, người đứng ở vị trí thứ hai.

Chuyên đề