Tencent mất ngôi giá trị nhất Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, Tencent Holdings đã mất danh hiệu công ty giá trị nhất Trung Quốc vào tay gã khổng lồ rượu Kweichow Moutai. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy rủi ro pháp lý và triển vọng tăng trưởng mờ nhạt đang cản trờ ngành công nghệ của Trung Quốc.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

So với mức đỉnh thiết lập vào tháng 1/2021, cổ phiếu của Tencent Holding niêm yết trên sàn Hong Kong đã giảm khoảng 64%. Điều này đồng nghĩa vốn hóa thị trường của công ty trò chơi trực tuyến đã "bốc hơi" 623 tỷ USD.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9, vốn hóa của Tencent đã bị nhà sản xuất rượu Kweichow Moutai qua mặt với giá trị thấp hơn khoảng 5,4 tỷ USD.

Sự "sụp đổ" của Tencent - công ty vào đầu năm 2021 đang trên đà trở thành công ty nghìn tỷ USD thứ 2 của châu Á - phản ánh nhiều rủi ro mà lĩnh vực công nghệ đang phải đối mặt. Trong đó, quyết định "đại tu" các công ty trò chơi trực tuyến của Bắc Kinh cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc là những trở ngại lớn nhất cho sự phục hồi.

“Không có chất xúc tác tích cực nào cho Tencent trong nửa cuối năm nay. Doanh thu của Công ty sẽ tiếp tục chịu áp lực từ môi trường vĩ mô yếu kém. Chúng ta đang ở trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ, cho nên sẽ khó có thể quay trở lại như trước khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách”, Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại KGI Asia nhận xét.

Mặt khác, Kweichow Moutai vẫn đẩy mạnh bán rượu, đặc biệt khi Bắc Kinh cam kết hỗ trợ chính sách cho lĩnh vực tiêu dùng.

Theo Bloomberg, Tencent đang phải đối mặt với thách thức ở mọi phía. Sự chậm chạp trong việc phê duyệt trò chơi điện tử mới, cũng như giới hạn thời gian chơi đối với trẻ vị thành niên tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Đồng thời, chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh, cùng các đợt phong tỏa đã cản trở tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo. Ngoài ra, làn sóng bán tháo sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đè nặng áp lực lên giá cổ phiếu Công ty.

Theo Morgan Stanley, không chỉ một số quỹ, các nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng khoảng 30 tỷ USD giá trị cổ phiếu của Công ty trong năm nay tính đến ngày 20/9. Con số này nhiều hơn bất cứ công ty nào ghi nhận trước đó. Giới cổ đông của Tencent cũng bán tháo cổ phiếu.

Các nhà đầu tư đang chia rẽ lập trường về triển vọng của Tencent. Theo Jian Shi Cortesi - Giám đốc đầu tư tại GAM Investment Management - cổ phiếu Tencent được “định giá quá rẻ” và rủi ro chính sách đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, những người khác không bị thuyết phục bởi lập luận này, đồng thời cho rằng triển vọng về lợi nhuận của Tencent trong tương lai có vẻ hạn chế.

“Khi một ngành cần phải dựa vào việc cắt giảm chi phí để duy trì tỷ suất lợi nhuận, điều đó có nghĩa là họ đang ở giai đoạn cuối trưởng thành. Tencent là một ví dụ điển hình. Tôi không cân nhắc mua cổ phiếu ngay cả khi mức định giá có vẻ rẻ”, Sun Jianbo - Chủ tịch tại China Vision Capital nhận định.

Chuyên đề