Tập trung xử lý các vụ việc thi hành án giá trị lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đang tập trung xử lý tài sản, giải quyết thi hành dứt điểm đối với một số vụ việc có giá trị tài sản thi hành án lớn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công tác này.
Dự án nhà hàng và bến du thuyền của Phan Văn Anh Vũ tại TP. Đà Nẵng (ảnh internet)
Dự án nhà hàng và bến du thuyền của Phan Văn Anh Vũ tại TP. Đà Nẵng (ảnh internet)

Theo Báo cáo kết quả công tác thi hành án 10 tháng năm 2021, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết, trong 10 tháng qua, các cơ quan THADS đã thi hành xong 411.026 việc, giảm 14.833 việc so với cùng kỳ, đạt 66,22%. Số tiền đã thi hành xong là 38.667,9 tỷ đồng, giảm 2.886,8 tỷ đồng; đạt 25,25%.

Đối với việc thi hành các vụ việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 3.857 việc, tương ứng với 17.961,471 tỷ đồng (đạt 16,79% về việc; 23,19% về tiền). Tỷ lệ thi hành xong tăng 0,17% về việc; 3,87% về tiền so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng là nhiệm vụ quan trọng nên trong năm qua Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Hiện, các cơ quan THADS đang tập trung xử lý tài sản, giải quyết thi hành dứt điểm đối với một số vụ việc có giá trị tài sản lớn như: vụ Phan Văn Anh Vũ (3 tài sản là nhà đất tại TP.HCM với giá trị ước đạt trên 6.000 tỷ đồng; các khu đất tại Đà Nẵng có gía trị ước đạt 1.100 tỷ đồng); vụ Phạm Công Danh giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với tài sản tại TP. Đà Nẵng có giá trị ước đạt 7.500 tỷ đồng…

Theo kế hoạch, công tác thu hồi tài sản được thi hành trong những tháng giữa năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 bùng phát nên chưa thực hiện được theo tiến độ. Hiện, các cơ quan THADS, đặc biệt là tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng đang tiếp tục tập trung cao độ xử lý tài sản kê biên trong các vụ án để nâng cao kết quả thu hồi từ nay đến cuối năm.

Mới đây, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác THADS năm 2021, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ về việc (0,49% tổng số phải thi hành) nhưng số tiền phải thi hành trong các vụ việc thi hành án về kinh tế, tham nhũng là rất lớn (24,5% về tiền so với tổng số phải thi hành) nên chỉ cần tồn, chưa thi hành xong vài vụ thì tỷ lệ thi hành về tiền sẽ thấp, kéo tỷ lệ chung xuống rất nhiều.

Lý giải về một số khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án chưa hiệu quả đó là vướng mắc ở cơ chế ủy thác thi hành án; chưa có cơ chế xử lý đối với các tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng hoặc người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; do đại dịch Covid-19 bùng phát…

Để nâng cao hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, thi hành án hành chính, trong đó trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm đối với tất cả các khâu của quá trình THADS; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm chỉnh các sai phạm; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong việc kiểm soát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng và những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm…

Chuyên đề