Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng đầu tiên của năm 2023 nền kinh tế có những kết quả mừng - lo đan xen. Trước những thách thức lớn hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, điều hành không giật cục, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực cho tăng trưởng năm nay là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu.
Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Những số liệu phát triển kinh tế - xã hội tháng 1/2023 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng được thúc đẩy, nhất là lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, loại trừ yếu tố giá tăng 15,8%, cho thấy kinh tế phục hồi, kinh doanh thương mại phát triển trong dịp Tết. Thị trường tiền tệ ổn định hơn, thanh khoản của các tổ chức tín dụng cải thiện. Tỷ giá và dự trữ ngoại hối diễn biến tích cực, đồng USD giảm tốc độ tăng giá, VNĐ tăng giá, NHNN bắt đầu mua được ngoại tệ trở lại. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cho năm 2023 khoảng 14 - 15%, điều chỉnh tùy diễn biến thực tiễn.

Tuy nhiên, thách thức, khó khăn đang rất lớn và cũng đã bộc lộ ở nhiều chỉ số kinh tế tháng đầu tiên của năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tuy thu ngân sách tháng 1 tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng thu từ xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cả nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm, cần hết sức lưu ý về sức sản xuất trong nước và thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó là tình trạng lao động thất nghiệp nhiều, chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp đứt gãy nguồn vốn, lãi suất cao, nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ kịp thời. Nhiều dự án công nghiệp, bất động sản đình trệ, vốn đọng ở đây rất lớn. Vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cũng cần sớm có đối sách ứng phó kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến thu hút FDI...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 ngày 2/2/2023, trước nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đối diện, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới cần phải tiếp tục nắm chắc tình hình thực tế, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, sát thực tiễn, nhất là từ biến động bên ngoài, thách thức bên trong. Tuyệt đối không lơ là chủ quan, nhưng cũng không hoang mang thiếu tự tin, cần bình tĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, tính chủ động sáng tạo của người đứng đầu các cấp. Thủ tướng khẳng định quan điểm nhất quán là tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, phải làm sao tìm được điểm cân bằng hợp lý, hiệu quả, hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau giữa 4 vấn đề lớn: lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát; chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tình hình trong nước và bên ngoài.

Hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công phải nỗ lực giải ngân ngay từ đầu năm 2023. Ảnh: Nhã Chi

Hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công phải nỗ lực giải ngân ngay từ đầu năm 2023. Ảnh: Nhã Chi

Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm. Ngay trong tháng 2 và quý I/2023, phải chủ động tích cực đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu.

Các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các nhóm hàng ảnh hưởng lớn đến lạm phát là lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…; điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, cắt giảm thủ tục hành chính.

NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống, hướng vốn vào các lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng, có giải pháp tín dụng phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2% trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thống đốc NHNN cho biết đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP và báo cáo đề xuất chuyển nguồn một phần gói này. Thủ tướng yêu cầu việc đánh giá, sửa đổi Nghị định 31, giải pháp chuyển nguồn một phần phải làm nhanh, để xin ý kiến Quốc hội triển khai cho kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa, phải phối hợp, hỗ trợ chính sách tiền tệ. Trong đó, trên 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2023 phải nỗ lực giải ngân ngay từ đầu năm, rút kinh nghiệm từ những năm trước, các tổ công tác phải hoạt động ngay; các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện phân bổ chi tiết vốn ngân sách 2023, quản lý chặt chẽ thúc đẩy tiến độ công trình lớn ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, 400 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 có phương án sử dụng ngay, ngoài tăng lương, một số nhiệm vụ chi đặc biệt, phải tập trung cho hạ tầng. Chương trình phục hồi còn 14 nghìn tỷ đồng cần xem đang tắc ở đâu để chỉ đạo tháo gỡ...

Chuyên đề