Tập đoàn Lộc Trời: “Tân binh” đấu thầu gạo dự trữ

(BĐT) - Lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính (HSĐXTC) 7 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) khu vực TP.HCM năm 2020 vừa qua có sự tham gia của một số nhà thầu mới, đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh “đìu hiu” thường thấy của các gói thầu gạo dự trữ.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đạt doanh thu và lợi nhuận bình quân 3 năm gần đây là 9.033 tỷ đồng và 387 tỷ đồng. Ảnh: St
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đạt doanh thu và lợi nhuận bình quân 3 năm gần đây là 9.033 tỷ đồng và 387 tỷ đồng. Ảnh: St

Ngày 14/5/2020, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực TP.HCM tổ chức mở HSĐXTC 7 gói thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020. 7 gói thầu sẽ cung cấp 6.500 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại các chi cục trực thuộc Cục DTNN khu vực TP.HCM, với tổng giá dự toán là 71,216 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, có 7 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) tại các gói thầu trên. Đó là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh Hai (tham dự 3 gói thầu), Công ty CP Lương thực Cao Lạng (tham dự 4 gói thầu), Công ty CP Lương thực Đông Bắc (tham dự 3 gói thầu), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (tham dự 2 gói thầu), Công ty TNHH Việt Phát Hưng (tham dự 2 gói thầu), Công ty TNHH Kim Hằng (tham dự 6 gói thầu) và Tập đoàn Lộc Trời (tham dự 3 gói thầu - đều là các gói thầu cung cấp 1.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại Chi cục DTNN Long An, có tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng).

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang, được thành lập từ năm 1993 với vốn đầu tư ban đầu 750 triệu đồng. Tháng 9/2004, sau khi cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng. Đến năm 2015 được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời. Vốn điều lệ hiện tại của Công ty là 805,9 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận ròng bình quân 3 năm gần đây của Công ty lần lượt đạt 9.033 tỷ đồng và 387 tỷ đồng.
Bên mời thầu cho biết, Tập đoàn Lộc Trời là một trong 2 doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG tại khu vực TP.HCM. Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Lộc Trời chưa được công khai trúng bất kỳ gói thầu nào có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đợt tham gia đấu thầu này của Công ty diễn ra trong bối cảnh hoạt động đấu thầu gạo có không ít bê bối. Về hoạt động kinh doanh, trong quý đầu năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019, từ 1.645,5 tỷ đồng xuống còn 751 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ của Công ty giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, còn 178 tỷ đồng. Dù đã tiết giảm các chi phí, Công ty vẫn báo lỗ ròng 37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi ròng hơn 58 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Công ty báo lỗ kể từ năm 2016 đến nay. Do đó, việc tham dự các gói thầu trong thời gian tới có thể là một giải pháp giúp tăng hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Hiện tại, cả 3 gói thầu Tập đoàn Lộc Trời tham dự đã có kết quả mở thầu. Cụ thể, tại Gói thầu số 1, 2 trong 4 nhà thầu tham dự chào vượt giá gói thầu (giá gói thầu là 11,603 tỷ đồng) là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh Hai (giá dự thầu là 11,655 tỷ đồng), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (giá dự thầu là 11,865 tỷ đồng). Hai nhà thầu cùng chào một giá là Công ty TNHH Kim Hằng và Tập đoàn Lộc Trời với giá 11.602.500.000 đồng.

Còn tại Gói thầu số 2, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh Hai cân bằng nhau về điểm kỹ thuật lẫn giá dự thầu (980 điểm và 11.602.500.000 đồng). Tại Gói thầu số 3, câu chuyện tương tự xảy ra giữa hai nhà thầu Kim Hằng và Tập đoàn Lộc Trời (980 điểm và 11.602.500.000 đồng).

Chuyên đề