TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là vùng động lực của vùng Đông Nam Bộ, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với vai trò, sứ mệnh được đặt ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW, Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải được thực hiện thật tốt, tạo ra xung lực, cú hích để vùng phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, chủ động kiến tạo quyết định tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp về Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức sáng 16/8, TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhận định, Đông Nam Bộ là vùng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, cụ thể là đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI…
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ; tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng thường xuyên xảy ra; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực...
Do đó, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải làm rõ vì sao tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trước hết, phải làm rõ đặc điểm là mật độ phát triển kinh tế của vùng (đặc biệt là khu vực trung tâm) đã đạt đến mức độ khá cao; các khu công nghiệp, khu chế xuất phân bố dày đặc ở khu vực nội thị…, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng không theo kịp, tạo ra điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển.
TS. Nguyễn Bá Ân cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng phải được đặc biệt ưu tiên đầu tư đồng bộ (cả hàng không, đường bộ cao tốc, giao thông đô thị, đường ngầm, đường thủy, đường sắt) mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của một trung tâm phát triển năng động như Đông Nam Bộ; mở rộng không gian phát triển và phân bố các khu, cụm công nghiệp theo các tuyến vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc Mộc Bài - TP.HCM; Gia Nghĩa - Đồng Xoài - TP.HCM; Đà Lạt - Bảo Lộc - TP.HCM.
TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đặt vấn đề, Đông Nam Bộ đảm nhận sứ mệnh là vùng đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải làm rõ năng lực tự chủ nội sinh như thế nào, không thể phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, thực trạng phát triển của vùng bị ảnh hưởng bởi tư duy đóng, khép trong địa giới hành chính của từng địa phương, cản trở sự phát triển chung. Vùng có trình độ quản lý cao nhưng sự phân cấp ủy quyền còn thấp, không tương xứng với tiềm lực của vùng. Do đó, bên cạnh việc tháo gỡ hạn chế, điểm nghẽn, việc tăng cường phân cấp sẽ giúp vùng phát huy sự sáng tạo, bứt phá, đi đầu trong cải cách.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, phải hoàn thiện báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ lần 1 để kịp báo cáo Chính phủ trong tháng 8 này. Khung định hướng phải được xây dựng trên tinh thần quan điểm định hướng lớn được đưa ra trong Quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết 24-NQ/TW. Cần làm rõ, nhận diện các điểm nghẽn của vùng bằng các số liệu tính toán có thể cân đo đong đếm được, không phải chỉ là các đánh giá định tính, từ đó thấy được tính cấp bách và giải quyết các vấn đề tắc nghẽn này.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm phải chủ động kiến tạo, quyết định tương lai để tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng, cơ hội, giá trị mới xứng đáng với vai trò, vị trí của vùng.
Bên cạnh các định hướng phát triển đã được nêu trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, TP.HCM cần nghiên cứu thêm về kinh tế ban đêm, nếu không tạo được nền kinh tế dựa vào kinh tế ban đêm thì rất lãng phí. Đây được coi là động lực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Với tiểu vùng trung tâm TP.HCM, các định hướng nhắc tới việc phát triển trung tâm tài chính, sử dụng đất ở Thủ Thiêm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở ý tưởng phát triển trung tâm tài chính ở huyện Cần Giờ vì ở đây có 7.000 ha không động đến hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, vùng ven biển Cần Giờ có thể hình thành cảng trung chuyển. Phía Bắc cần quan tâm tới sân bay Long Thành và hình thành trục đô thị quanh sân bay. Tỉnh Bình Phước còn nhiều quỹ đất để phát triển công nghiệp.
Định hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ cần được xây dựng theo hướng có nhiều đột phá táo bạo hơn. Nếu làm được và với quyết tâm chính trị cao, vùng sẽ có bước phát triển vượt bậc bởi có rất nhiều tiềm lực, tiềm năng phát triển.
Nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm cần kịch bản tăng trưởng, định hướng phát triển táo bạo hơn, nếu an toàn thì khó tạo được sự đột phá. Ngoài ra, cũng cần có đột phá về thể chế chính sách để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng.