Tạo thuận lợi cho mua sắm trên “chợ” đấu thầu điện tử

(BĐT) - Thị trường điện tử (e-Marketplace) là một trong những cấu phần của hệ thống danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên qua mạng và mua sắm tập trung qua mạng. 
Hệ thống e-Marketplace được đề xuất thí điểm trong giai đoạn 2018 - 2019 đối với một số mặt hàng, trong đó có các mặt hàng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Quang Tuấn
Hệ thống e-Marketplace được đề xuất thí điểm trong giai đoạn 2018 - 2019 đối với một số mặt hàng, trong đó có các mặt hàng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Quang Tuấn

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tham vấn ý kiến của các bên mời thầu, nhà thầu để nghiên cứu, xây dựng e-Marketplace để giúp các bên mời thầu mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn nhà nước với quy trình thuận lợi và giá tốt nhất.

“Chợ điện tử” của mua sắm công

Theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng (ĐTQM) giai đoạn 2016 - 2025, giai đoạn 2016 - 2018 nghiên cứu xây dựng hệ thống danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên qua mạng và mua sắm tập trung qua mạng; giai đoạn 2019 - 2025, hệ thống e-Catalog là một trong 11 cấu phần của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể được phát triển và vận hành bởi nhà đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

Đại diện đơn vị vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là Trung tâm ĐTQM quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, hệ thống e-Catalog bao gồm: quản lý danh mục sản phẩm; mua sắm theo hợp đồng khung, sử dụng trong mua sắm tập trung; danh mục sản phẩm với giá tham khảo; hệ thống e-Marketplace. Theo đó, hệ thống e-Marketplace sẽ là một trong 4 cấu phần của e-Catalog giúp các bên mời thầu có thể thực hiện mua sắm đối với các mặt hàng phổ biến, trong ngưỡng giá trị gói thầu nhất định bằng hình thức chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh.

Trước mắt, hệ thống e-Marketplace được đề xuất thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2018 - 2019 đối với một số mặt hàng. 

Cần hành lang pháp lý đồng bộ

Dự kiến, giai đoạn thí điểm 2018 - 2019, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành một số văn bản pháp lý cho việc triển khai và vận hành hệ thống e-Marketplace. Theo đó, dự kiến sẽ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đấu thầu một số mặt hàng trên hệ thống e-Marketplace; thông tư hướng dẫn thí điểm quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu trên hệ thống e-Marketplace.
Tại Hội thảo Lấy ý kiến xây dựng hệ thống e-Marketplace và quy trình mua sắm tập trung của doanh nghiệp nhà nước được Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 18/9, nhiều đại diện bày tỏ đồng thuận cao trong việc xây dựng e-Market.

Bàn về việc xây dựng e-Marketplace, ông Trần Phú Cường, Sở KH&ĐT Hải Phòng cho biết, việc mua sắm hàng hóa sử dụng nguồn vốn ngân sách trên trang thương mại điện tử có một sự ràng buộc rất lớn trong vấn đề trách nhiệm trong sử dụng vốn. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm được cung cấp bởi doanh nghiệp trên e-Marketplace là rất quan trọng. Do đó, e-Marketplace cần chú trọng đến tính chính xác, kiểm soát chất lượng và quản lý các nhà cung cấp. Bởi, trong trường hợp có những sai sót, sản phẩm mua sắm không đúng như chất lượng mà nhà thầu giới thiệu trên e-Marketplace thì sự ràng buộc và trách nhiệm giữa các bên sẽ được xem xét, xử lý như thế nào?

Đồng thuận quan điểm trên, ông Hoàng Minh Hiếu, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, việc mua hàng trên ứng dụng thương mại điện tử cần lường trước việc cung ứng sản phẩm có đúng như mong đợi không? Khi xây dựng e-Marketplace, cơ quan xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cần tích hợp thêm chức năng đánh giá chất lượng của người sử dụng sản phẩm. Từ đó, hệ thống có những thống kê, đánh giá chất lượng đối với nhà cung cấp. Đối với những đánh giá, phản hồi trung bình và yếu kém, đến một mức nào đó sẽ loại nhà thầu, nhà cung cấp đó ra khỏi hệ thống.

Đại diện Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đề xuất, khi triển khai và thí điểm e-Marketplace, Bộ KH&ĐT cần chuẩn bị và ban hành các văn bản pháp lý đồng bộ để khi bắt đầu triển khai mua sắm trên e-Marketplace thì các bên mời thầu có cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện.

Về việc xây dựng hệ thống e-Marketplace, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia cho biết, khi tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, Trung tâm đã nhận được rất nhiều tư vấn về việc xây dựng các quy trình quản lý chặt chẽ, quy định về quản lý chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp. Dự kiến trên e-Marketplace sẽ chỉ đưa lên một số mặt hàng mua sắm theo nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước chứ không đa đạng tất cả các sản phẩm như các trang thương mại điện tử. Do đó, khi tiến hành phê duyệt nhà thầu cung cấp, danh mục hàng hóa sẽ có một tổ chức (với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành) phê duyệt theo một quy trình rõ ràng. Khi các nhà thầu, nhà cung cấp đáp ứng được những tiêu chí cụ thể, thậm chí phải đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp mới được giới thiệu hàng hóa trên e-Marketplace. “Việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp được quyền đưa hàng hóa giới thiệu trên e-Marketplace sẽ phải đáp ứng quy định cụ thể, trải qua một quy trình xét duyệt chặt chẽ trong yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đánh giá uy tín của nhà thầu. Nếu nhà thầu, nhà cung ứng vi phạm chất lượng, tiến độ có thể có những chế tài xử phạt” - ông Hùng nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư