Tạo lực đẩy cho “đầu tàu” TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 46 năm sau giải phóng, TP.HCM đã trở thành trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước. Diện mạo Thành phố thay đổi từng ngày, hạ tầng ngày càng phát triển và kết nối chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Cơ chế đặc thù dành cho TP.HCM cũng đã đi được chặng đường hơn 4 năm với nhiều thành quả, góp phần tăng tiềm lực kinh tế cho không chỉ Thành phố mà còn các tỉnh phía Nam.
TP.HCM ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để xóa bỏ các điểm nghẽn cản trở tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để xóa bỏ các điểm nghẽn cản trở tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Từ Dự án Vành đai 3...

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Dự án Vành đai 3 là điển hình của một quyết sách đặc thù áp dụng cho Thành phố để tận dụng tối đa cơ hội kích thích tăng trưởng kinh tế. “Dự án Vành đai 3 có vai trò tối quan trọng đối với không chỉ TP.HCM mà toàn khu vực Đông Nam Bộ, thậm chí ảnh hưởng rất nhiều đến kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một dự án dẫn dắt cho hệ thống giao thông kết nối khu vực kinh tế năng động nhất phía Nam cần được áp dụng những cơ chế đặc thù khi triển khai như huy động nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu”, ông Mãi khẳng định.

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra trong tháng 5 này, Dự án Vành đai 3 TP.HCM sẽ được đưa lên bàn nghị sự. Đây cũng là thời điểm đánh dấu hơn 4 năm Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đi vào cuộc sống.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, Nghị quyết 54 đã cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, sử dụng tài sản công để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố; hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu…

Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố, Nghị quyết cho phép Thành phố sử dụng nguồn lực từ ngân sách hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư để sớm hoàn thành... Đây đều là những cơ chế quan trọng giúp Thành phố có động lực phát triển. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng lớn của TP.HCM được khởi động, tái khởi động sau thời gian dài nằm im vì thiếu vốn, cơ chế. Có thể kể tới Dự án Nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân), xây mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); cầu Cây Da, cầu Kênh B nhánh 2 (huyện Bình Chánh); Công viên Thanh Đa đoạn 1.4 (quận Bình Thạnh); ba gói thầu xây lắp thuộc Dự án Mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười (Quốc lộ 22 - Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn); xây dựng mới cầu Bưng…

Đồng thời, hàng loạt dự án cấp bách đã được khơi thông như: Xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương; xây dựng kè chống sạt lở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ; chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu vực Khách sạn Sài Gòn Domaine); chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa); chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn); xây dựng kè chống sạt lở sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m; cải thiện môi trường nước Thành phố giai đoạn 2…

... Mối liên kết, giao thương giữa TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, và TP.HCM đang thực sự là cánh chim đầu đàn, có vai trò dẫn dắt các địa phương tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.

“Nghị quyết được triển khai hơn 4 năm thì 2 năm TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, do đó, kết quả của việc áp dụng cơ chế đặc thù chưa thực sự như mong muốn. Trong năm 2020, 2021, hàng trăm gói thầu thuộc hàng chục dự án liên tục bị gián đoạn thi công, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tiến độ cũng như kế hoạch giải ngân đầu tư công. Chưa kể, áp lực chi phí giải phóng mặt bằng rất nặng nề, nhiều dự án hạ tầng có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tới hơn 90% tổng mức đầu tư dẫn tới chậm triển khai”, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.

… đến cơ chế liên vùng

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, việc TP.HCM ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để xóa bỏ các điểm nghẽn cản trở tăng trưởng là cách tận dụng cơ chế đặc thù ưu việt. “Dồn nguồn lực từ các cơ chế ưu đãi về chính sách, điều tiết số ngân sách giữ lại cho Thành phố để tập trung đầu tư các dự án như cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cấp mở rộng hệ thống cảng quốc tế, xây dựng các tuyến vành đai kết nối khu vực… đang trở nên cần kíp hơn bao giờ hết. Có thể nói, khơi thông điểm nghẽn giao thông cho TP.HCM chính là khơi thông điểm nghẽn cho toàn khu vực. TP.HCM phát triển thì cả khu vực kinh tế phía Nam có đủ động lực để tăng trưởng”, ông Thể khẳng định.

Tuy nhiên, cơ chế đặc thù được trao không thể giúp TP.HCM hoàn thành toàn bộ Dự án Vành đai 3, bởi đây là dự án có tính liên kết vùng rõ nét nhất hiện nay. Dù TP.HCM được giao là đầu mối triển khai, nhưng sự thành bại của Dự án phụ thuộc rất nhiều vào 3 địa phương còn lại, gồm: Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đến nay, cả 3 địa phương đều đã thống nhất xin các cơ chế đặc thù như huy động nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng, phân kỳ dự án, đấu giá đất tạo nguồn, chủ động chọn nhà thầu đủ năng lực… để có thể khởi công Dự án vào cuối năm 2023.

“TP.HCM đã được trao cơ chế đặc thù và phát huy được nhiều giá trị, phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Tuy nhiên, cần tiến tới xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên vùng, đặc biệt với những vùng kinh tế như Đông Nam Bộ để tạo động lực phát huy hết nguồn năng lực sẵn có của vùng. Cơ chế này sẽ giúp các địa phương cùng xây dựng mối liên kết mạnh mẽ thông qua các dự án giao thông kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại. Mối liên kết, giao thương giữa TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, và TP.HCM đang thực sự là cánh chim đầu đàn, có vai trò dẫn dắt các địa phương tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Chuyên đề