Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm thế giới

(BĐT) - Để Việt Nam bước nhanh hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0), mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được đề xuất thành lập. 
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ đặt trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên diện tích 23 ha, với mặt bằng xây dựng 90.000 m2. Ảnh: Tiên Giang
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ đặt trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên diện tích 23 ha, với mặt bằng xây dựng 90.000 m2. Ảnh: Tiên Giang

NIC sẽ là nơi tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến, góp phần hiện thực hóa cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp tầm cỡ

Đề cập về sự cần thiết phải thành lập NIC, tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Đề án thành lập NIC diễn ra ngày 31/10, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực tế, chúng ta có nhiều khu công nghệ cao (KCNC), công viên phần mềm,…, song nền tảng công nghệ còn yếu, chưa tạo ra tác động đáng kể cho đất nước. Các KCNC chủ yếu làm nhiệm vụ thu hút FDI vào các lĩnh vực sản xuất không phải đặc trưng của CMCN4.0, do đó, sức lan tỏa công nghệ rất ít.

Hơn nữa, theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, năng lực đổi mới sáng tạo của của Việt Nam giảm 0,5 điểm, xếp vị trí 82/138 quốc gia. 10 năm qua, các cơ sở khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa tạo ra công ty tỷ USD nào. Do đó, chúng ta cần tạo ra một NIC tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Theo Dự thảo Đề án, NIC sẽ là một doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có quy mô vốn đầu tư là 1.900 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 200 tỷ đồng vốn lưu động. NIC sẽ đặt địa điểm trong KCNC Hòa Lạc trên quy mô 23 ha, mặt bằng xây dựng 90.000 m2. Dự kiến, NIC được khởi công từ năm 2019, có thể hoạt động từ năm thứ 2. Đây sẽ là địa chỉ ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ mới, tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại; tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến trong thời đại CMCN4.0… 

Bộ máy hoạt động đặc biệt

Theo TS. Đặng Quang Vinh, điểm đặc biệt của mô hình NIC là kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nhà nước và tư nhân. “Vốn tư nhân để đảm bảo hoạt động linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế. Đồng thời, Nhà nước ủng hộ về chính sách để đảm bảo định hướng chính sách và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ”, TS. Vinh nói.

Bổ sung thêm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, nếu là một đơn vị của Nhà nước, NIC khó thu hút được người tài vì không có khả năng trả lương đủ cao để giữ chân họ. “Nhân lực cho CMCN4.0 là cuộc cạnh tranh toàn cầu, ở đâu cũng thiếu. Ngoài môi trường làm việc tốt thì chúng ta phải có môi trường sống và thuế thu nhập đủ hấp dẫn tạo thành đòn bẩy để người tài về cũng như giữ chân người tài”, TS. Cung nói.

Về mức lương dự kiến cho các lãnh đạo của NIC, đại diện CIEM bật mí, đó sẽ là mức lương hấp dẫn, dự kiến sẽ lên tới vài chục ngàn USD/tháng. Lãnh đạo của NIC là các chuyên gia quản trị hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ trong và ngoài nước.

Theo đề xuất, NIC có điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó quy định tôn chỉ mục đích, cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và các ưu đãi đặc biệt. Hội đồng thành viên gồm 5 - 7 người, bao gồm đại diện của chủ đầu tư và của Chính phủ. NIC được hưởng chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi cao nhất về thuế cho DN; miễn tiền sử dụng đất trong 20 năm; các DN, cá nhân và nhóm startup thuê mặt bằng của NIC được hưởng ưu đãi về thuế như NIC…

Chuyên đề