Tạo động lực phát triển khu công nghiệp sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các KCN sinh thái tại Việt Nam.
Thúc đẩy sản xuất xanh, hình thành khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, mà còn làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Thúc đẩy sản xuất xanh, hình thành khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, mà còn làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Tính đến nay, Việt Nam có trên 400 KCN đang hoạt động. Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ KH&ĐT dự tính, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Tại Hội thảo thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp định hướng phát triển KCN sinh thái ngày 6/10/2022, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ KH&ĐT Lê Việt Anh cho biết, con đường tăng trưởng xanh đã được định hình rõ nét trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (được ban hành tháng 11/2021) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (được ban hành tháng 7/2022). Theo đó, xanh hóa KCN nhằm hình thành KCN sinh thái là một trong những chủ đề hành động ưu tiên, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT, các KCN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại Việt Nam. Việc phát triển KCN sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên nhờ việc giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; thực hiện mục tiêu về quản lý nhà nước cũng như cam kết về môi trường… Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều địa phương đã thí điểm chuyển đổi một số KCN sang mô hình KCN sinh thái như Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng… Kết quả rõ nhất trong nỗ lực này là bước đầu thực hiện mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm được nguyên nhiên liệu của các doanh nghiệp tham gia thí điểm. Tuy nhiên, để phát triển, nhân rộng mô hình KCN sinh thái, cần quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Cuối tháng 5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT. Nghị định tạo cơ sở tiền đề, tạo động lực để mô hình KCN sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhấn mạnh vào 3 yếu tố đối với KCN sinh thái: bảo đảm sử dụng tài nguyên trong KCN; đẩy mạnh sự kết nối cộng sinh công nghiệp; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.

Từ kinh nghiệm thực hiện thí điểm chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái tại một số địa phương, đại diện Văn phòng Dự án UNIDO/MPI, bà Trâm Anh cho biết, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam thực tế còn gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Trâm Anh, trước tiên, KCN sinh thái là khái niệm mới, nên cần thời gian và cần nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp và người dân. Tiếp đó, việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần vốn đầu tư, trong khi đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam do đối tượng tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi chuyên biệt cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như còn rào cản về tâm lý, năng lực quản lý khiến doanh nghiệp lúng túng khi chuyển đổi. Một số chính sách, quy định pháp lý chưa hoàn toàn phù hợp và thúc đẩy phát triển KCN sinh thái…

Để nhân rộng mô hình KCN sinh thái, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần tạo lập môi trường thuận lợi. Theo đó, khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng danh mục đầu tư trọng điểm, nhằm định hình thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư tăng trưởng xanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tăng trưởng xanh…

Được biết, Bộ KH&ĐT đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các KCN sinh thái tại Việt Nam. Chuyên gia về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đặc biệt khuyến khích Việt Nam xử lý các điểm khó khăn hiện hữu và tạo động lực phát triển KCN sinh thái, bởi đây là loại hình không chỉ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong KCN tăng sức cạnh tranh, mà về lâu dài sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề