Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước. Ảnh: Đông Giang |
Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ nhiều vấn đề có tính then chốt và thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như trong công tác tham mưu chiến lược năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Vững vàng vượt khó
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, từ đầu năm 2020 đến nay và nhất là năm 2024, tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó lường; thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thay đổi và điều chỉnh có tính thời đại; cục diện chính trị, cấu trúc kinh tế, tổ chức sản xuất và đời sống xã hội toàn cầu đang định hình lại nhanh chóng; cùng với đó là thách thức về xung đột, bất ổn tại một số quốc gia, khu vực; cạnh tranh, bảo hộ, đối đầu giữa các nền kinh tế lớn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Diễn biến tình hình thế giới đã tác động không nhỏ, cả trước mắt và lâu dài đến kinh tế - xã hội nước ta. Nhưng chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2024.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong năm 2024, nền kinh tế nước ta khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Kết thúc năm 2024, nước ta có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Do vậy, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, nước ta đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong tâm thế tự tin, bản lĩnh, chủ động và khẳng định được tầm vóc, vị thế, uy tín của đất nước trong xu thế phát triển của nhân loại về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026 - 2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Muốn đến mục tiêu, không thể tăng trưởng bình bình
Bước vào năm 2025, cả nước đang hừng hực khí thế mới, động lực mới, khát vọng chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Để vươn tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu quan điểm, Việt Nam không thể tăng trưởng bình bình 6 - 7% như thời gian qua, phải tăng tốc, phải đột phá, đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Năm 2025, Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%, nhưng để tạo đà, tạo lực phát triển, hướng đến những mục tiêu trung và dài hạn, trong những ngày cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 2 công điện về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong đó chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số ngay trong năm 2025. “Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra.
Chủ động vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, đón bắt vận hội
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn tới, thách thức nổi trội hơn, nhưng trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội, nếu nhận diện được hoặc chủ động tạo ra cơ hội và biết chớp thời cơ, thì thách thức cũng có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 có quy mô khoảng 1 tỷ USD, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng, là biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự đoàn kết, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”… Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển, nhất là thời cơ mới có thể xuất hiện giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới; nắm bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sự định hình những trật tự và cấu trúc mới về đầu tư, thương mại, tài chính.
Bộ trưởng cho rằng, dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Do vậy, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân; phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương; tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án, cả Nhà nước và tư nhân để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm… Cần xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026 - 2030; tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước…
Cũng theo Bộ trưởng, để tạo dư địa phát triển đất nước, cần tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới; đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới. Trước mắt, triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, khu vực kinh tế tư nhân trong nước hiện đang phát triển chưa đúng tiềm năng, nếu có thể bật mở “chiếc lò xo” đang bị nén này, sẽ tạo động lực đột phá tăng trưởng cho giai đoạn tới. Cùng với đó, các khu vực kinh tế đầu tàu với những chính sách đặc thù phát triển, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất mạnh. Việc đồng loạt thực hiện quy hoạch của 63 địa phương sẽ mang lại những bứt phá và đóng góp cho tăng trưởng mạnh hơn. Những kết quả đã đạt được trong rất nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách vừa qua, biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể, những nền tảng vững chắc nhất cho tăng trưởng cao và bền vững không ngừng được vun đắp, cùng với khát vọng, quyết tâm lớn hơn, nỗ lực nhiều hơn, cho chúng ta niềm tin và cơ sở để tiến nhanh, bứt phá trong năm 2025 và giai đoạn tới.
Nghị quyết số 158/2024/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đề ra các chỉ tiêu chủ yếu:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.
2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3 - 5,4%.
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25 - 26%.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%.
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.