Tạo cơ chế đột phá cho tình thế khó khăn của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế quý I rất thấp với nhiều chỉ số sụt giảm mạnh. IMF dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 5,8%, thấp hơn nhiều mục tiêu đặt ra. Theo nhiều ý kiến, tình thế của kinh tế lúc này không thể chờ tháo gỡ thể chế, mà cần giải pháp đột phá tức thời, kịp thời, như những cơ chế đặc biệt, đặc thù để ứng phó với dịch bệnh...
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy giảm do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cầu hàng hóa thấp. Ảnh: Lê Tiên
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy giảm do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cầu hàng hóa thấp. Ảnh: Lê Tiên

Đối mặt với thực tế

Lãnh đạo một doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho khu vực nước ngoài chia sẻ, ông nhận thấy khó khăn bắt đầu xuất hiện từ quý IV/2022. Đơn hàng giảm mạnh và giảm liên tục từ 6 - 7 tháng trước, cho đến nay, doanh nghiệp đã ngấm sâu khó khăn này.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng bỏ dở hợp đồng, không nhận hợp đồng mới, tạm trú ẩn bằng cách “nghỉ việc đi chơi” để tránh tình trạng càng làm càng lỗ.

Tình hình kinh tế, khó khăn của doanh nghiệp đã phản ánh rất rõ nét vào các số liệu kinh tế quý I/2023. Tăng trưởng GDP trong quý này chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong 10 năm liên tục, trừ quý I năm 2020 (tăng 3,21%). Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, những chỉ số trụ cột kinh tế quý I/2023 đều xấu. Đầu tàu kinh tế cả nước là TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận tăng trưởng GDP quý I dưới 1%. Các tỉnh, vùng có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế khác cũng đều sụt giảm tăng trưởng, những ngành trụ cột ghi nhận tăng trưởng thấp. Theo ông Cường, sự sụt giảm này không phải ngẫu nhiên, đột xuất, mà là hệ lụy của cả một quá trình suy giảm sức cầu từ thị trường quốc tế, diễn ra từ cuối năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp nội ngày càng bị bào mòn, yếu đi trong khi nhiều dự báo cho thấy khó khăn còn kéo dài trong thời gian tới.

Khó khăn, thách thức rất lớn, trong khi động lực, triển vọng tăng trưởng lại không rõ nét là hiện trạng nền kinh tế hiện nay. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, tăng trưởng các quý còn lại kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, được dự báo sẽ bắt đầu từ quý II, quý III. Tuy nhiên, nếu kinh tế thế giới không phục hồi thì trụ cột về xuất khẩu sẽ giảm. Động lực chủ động là hoạt động đầu tư công, nhưng giải ngân quý I còn thấp, đặc biệt là ở khối các cơ quan trung ương. Giải ngân đầu tư công thấp cũng tạo ra cản trở, sức ỳ cho lĩnh vực khác.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để GDP năm 2023 tăng trưởng 6,5% thì tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp phải đạt 8 - 9%, xuất khẩu phải hơn 10%, dịch vụ tăng trưởng 6 - 7%. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu phụ thuộc yếu tố bên ngoài, nếu cầu quốc tế không phục hồi và thấp như hiện nay thì khả năng đạt được kịch bản rất thấp. Dịch vụ được coi là động lực, nhưng trong bối cảnh thu nhập giảm, lạm phát tăng, tiêu dùng không thể tăng mạnh được, đầu tư công cũng chưa được cải thiện nhiều. “Tăng trưởng năm nay chỉ khoảng 4 - 5%”, ông Nguyễn Đình Cung dự báo và cho rằng cần đối mặt trực diện với khó khăn để đưa ra giải pháp thực chất, đúng tình hình, tạo ra sức ép thay đổi mạnh mẽ, kịp thời.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho biết, IMF dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, năm 2024 là 6,9%. Để đạt được mức 5,8% năm nay cần nỗ lực rất lớn, các quý còn lại phải có sự gia tăng lớn về tốc độ tăng trưởng. Ông Francois cũng chỉ ra rủi ro lớn đối với tăng trưởng đến từ nhu cầu bên ngoài, điều kiện tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng năm 2023 có thể không đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng năm 2023 có thể không đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Tiên Giang

Phải tháo được nút thắt “không ai muốn làm, dám làm”

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp có nguyên nhân rất lớn do pháp lý chồng chéo, làm được cái này vướng cái khác, vì thế cán bộ không ai muốn làm, không ai dám quyết. Khối Nhà nước không làm mà khối kinh tế tư nhân cũng không làm nữa thì nền kinh tế sẽ tiếp tục bế tắc.

Mong đợi lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này là cán bộ nhà nước xử lý nhanh chóng công việc, không đùn đẩy, né tránh. Có lẽ chưa bao giờ Thủ tướng Chính phủ phải ký một công điện thúc cán bộ giải quyết, xử lý công việc như những ngày qua. Doanh nghiệp trông đợi sẽ có sự chuyển động từ bộ máy nhà nước sau những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường, cán bộ cũng ở thế khó, làm thì vướng do quy định pháp luật chồng chéo, không dám làm, không dám năng động, sáng tạo, đổi mới. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, then chốt lúc này là giải quyết về luật pháp. Vướng mắc về cơ chế, pháp luật chưa thông, bản thân bộ máy nhà nước vận hành chưa hiệu quả. Đánh giá cao những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng ông Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, như vậy là chưa đủ để tạo ra đột phá lúc này.

“Không thể trông chờ phải sửa đổi luật pháp, mà phải hành động ngay, tức thời, phải có giải pháp cấp bách cho tình thế hiện nay”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ với Báo Đấu thầu và đề xuất cần thành lập Ban giải quyết vướng mắc ở các cấp trung ương và địa phương. Tất cả những vấn đề còn vướng mắc về luật pháp, chồng chéo, chưa rõ ràng, thì ban này cần tìm ra một giải pháp phù hợp nhất, chứ không phải là đúng luật pháp nhất, vận dụng quy định phù hợp đó mang lại được lợi ích chung, mang lại sự phát triển.

Theo đề xuất, ở cấp Trung ương, Thủ tướng là trưởng ban, các lãnh đạo bộ, ngành là thành viên, ở cấp địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng ban, lãnh đạo các sở ban ngành là thành viên. Vấn đề vướng mắc ở tầm địa phương thì Ban địa phương phải giải quyết, vấn đề không phải ở tầm địa phương, thuộc về luật pháp chính sách thì phải đề nghị lên ban ở Trung ương. Ban ở Trung ương phải chỉ ra vấn đề này vận dụng quy định nào của pháp luật, xử lý bằng cách nào, không thể nói “cứ thực hiện theo pháp luật”, vì khi khi pháp luật chồng chéo, cán bộ sẽ không dám làm. Đồng thời, các quyết định của Ban sau này sẽ miễn hồi tố.

“Để làm được, cần có một nghị quyết của Quốc hội về giao Chính phủ trong việc đưa ra cơ chế quyết định giải quyết vấn đề đang chồng chéo, vướng mắc của pháp luật và Quốc hội cần ban hành ngay tại kỳ họp tháng 5 này. Trong trường hợp pháp luật chồng chéo, Chính phủ được quyền quyết định một quy định để vận dụng phù hợp, hiệu quả; trường hợp chưa có quy định luật pháp thì đưa ra một quy định thống nhất để thực hiện”, ông Hoàng Văn Cường khuyến nghị.

Chuyên đề