Tăng vốn hơn 2.312 tỷ đồng cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 1A của Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, trong giai đoạn tới, Dự án cần bổ sung hơn 2.312 tỷ đồng nhằm bảo đảm đồng bộ với các công trình cao tốc liên kết khu vực.
Tăng vốn hơn 2.312 tỷ đồng cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Theo đó, điều chỉnh quy mô tuyến đường từ đường cấp III đồng bằng thành đường cao tốc. Đồng thời, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 6.955,65 tỷ đồng thành 9.268,41 tỷ đồng (tăng khoảng 2.312,76 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn cũng có điều chỉnh, cụ thể: tăng nguồn vốn vay ODA từ 190,77 triệu USD (khoảng 4.175,9 tỷ đồng) thành 263,55 triệu USD (khoảng 6.209,65 tỷ đồng), tăng khoảng 72,78 triệu USD; tăng vốn đối ứng từ 2.779,75 tỷ đồng thành 3.058,76 tỷ đồng, tăng khoảng 279,01 tỷ đồng. Dự án cũng được Bộ GTVT đề xuất thời gian thực hiện đến hết năm 2028 (điều chỉnh tăng 3 năm).

Bộ GTVT cho biết, Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ phê duyệt đầu tư từ năm 2016, ký kết Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc năm 2020, lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công năm 2022. Tại thời điểm phê duyệt Dự án, do chưa xác định được thời điểm đầu tư các đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, trong khi việc khai thác khoảng 8,75 km độc lập theo tiêu chuẩn đường cao tốc là chưa cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, điểm đầu Dự án kết nối với Dự án thành phần 3 và điểm cuối kết nối với Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM đều theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Do vậy, để bảo đảm khả năng khai thác đồng bộ đoạn tuyến trên đường Vành đai 3 TP.HCM theo tiêu chuẩn đường cao tốc, việc điều chỉnh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là cần thiết và cần sớm triển khai để bảo đảm hoàn thành, đưa vào khai thác cùng với các đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đại diện Chủ đầu tư, các gói thầu chính thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đang thi công bảo đảm tiến độ để làm cơ sở điều chỉnh chủ trương Dự án. Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, Dự án đã thực hiện giải tỏa một lần theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh (tỉnh Đồng Nai là 74,5 m; TP.HCM là 82,5 m) với tổng diện tích khoảng 77,64 ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 45,16 ha; TP.HCM khoảng 32,48 ha). Đến nay, phía TP.HCM đã hoàn thành bàn giao mặt bằng, phía tỉnh Đồng Nai bàn giao đạt khoảng 80,2% diện tích.

Đối với 2 gói thầu xây lắp chính của Dự án, đến nay có nhiều hạng mục vượt tiến độ. Cụ thể, Gói thầu CW1 Xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn với giá trị hợp đồng là 18,764 tỷ KRW và 1.436,93 tỷ đồng; tiến độ thực hiện đạt khoảng 59,51% giá trị hợp đồng. Sản lượng lũy kế đạt 1.230,89 tỷ đồng (76,55%). Gói thầu khởi công ngày 24/9/2022 (đến nay được 19,2/35 tháng tiến độ hợp đồng), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Gói thầu CW2 Xây dựng đoạn tuyến Km5+000 - Km10+000 và Km12+600 - Km13+750 có giá trị hợp đồng là 12,586 tỷ KRW và 937,16 tỷ đồng; tiến độ thực hiện tại thời điểm báo cáo đạt khoảng 8,24% giá trị hợp đồng. Sản lượng lũy kế đạt 326,01 tỷ đồng (30,42%).

Dự án thành phần 1A của Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận làm Chủ đầu tư, Quỹ hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) làm nhà tài trợ. Dự án có mục tiêu từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 8,75 km, trong đó, khoảng 6,3 km đi trên địa phận tỉnh Đồng Nai và khoảng 2,45 km đi trên địa phận TP.HCM theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự án có 2 cầu vượt dòng chảy (cầu Rạch Chạy và cầu Nhơn Trạch), 4 cầu cạn trên các nhánh đường dẫn trong nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Dự án có thời gian thực hiện 5 năm kể từ khi Hiệp định vay vốn Dự án thành phần 1A có hiệu lực (từ tháng 9/2020 - 9/2025) với tổng vốn thực hiện khoảng 6.955,65 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của EDCF khoảng 4.175,90 tỷ đồng (tương đương khoảng 190,77 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA. Vốn đối ứng khoảng 2.779,75 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước. Về cơ chế tài chính của phần vốn đối ứng, ngân sách trung ương khoảng 529,02 tỷ đồng được Chính phủ cấp phát 100%. Ngân sách địa phương khoảng 2.250,73 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trong đó, TP.HCM là 1.599,42 tỷ đồng và tỉnh Đồng Nai là 651,31 tỷ đồng).

Chuyên đề