Tăng ưu đãi thuế để hồi sức doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ý kiến cho rằng, các chương trình hỗ trợ hồi phục kinh tế nên ưu tiên thêm nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi thuế để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, các giải pháp này cần được thực hiện một cách đơn giản, công khai minh bạch để đảm bảo hiệu quả thực thi.
Nhiều ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích cả cung và cầu của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích cả cung và cầu của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2021 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Thuế đã tham mưu và tham gia trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp cả về chính sách thuế và quản lý thuế để ứng phó với đại dịch.

Cụ thể, về gia hạn thời hạn nộp thuế, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Ước tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỷ đồng. Về miễn, giảm thuế, đã trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; trình Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, cần tăng thêm liều lượng ưu đãi thuế để thêm trợ lực giúp doanh nghiệp hồi phục.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, bây giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế tích cực hơn, tạo lực đẩy giúp doanh nghiệp hồi phục, xây dựng nền tảng tốt để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo đó, một số đề xuất có thể thực hiện ngay là thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí. Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi vay. Giải pháp này sẽ hỗ trợ mục tiêu phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ mô hình tăng trưởng mới chú trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng và xanh. Đồng thời, xem xét tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số hàng hóa và dịch vụ để góp phần phục hồi kinh tế.

Cùng quan điểm, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, việc gia hạn nộp thuế không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp bị tác động mạnh, có lợi nhuận âm hoặc rất thấp. Thay vào đó, để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất, nên nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về năm trước hoặc chính sách cấp bù chi phí để có nguồn lực thực tế cho doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nên xem xét giảm thuế GTGT 2% đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ thay vì chỉ giảm 30% thuế GTGT cho một nhóm bị ảnh hưởng nặng như du lịch, dịch vụ vận tải. “Việc giảm 30% thuế GTGT đang thực thi là hữu ích, song diện doanh nghiệp thụ hưởng ít. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp du lịch có doanh thu bằng 0 thì việc giảm tới 30% cũng không có nhiều ý nghĩa”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho rằng, giảm thuế GTGT là cách thực thi nhanh, dễ và hiệu quả nhất, kích thích cả cung và cầu của nền kinh tế.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, giảm thuế GTGT là giải pháp thực thi nhanh và hiệu quả ngay song vẫn cần cân nhắc lựa chọn nhóm hàng hóa và dịch vụ mục tiêu. Trong bối cảnh hiện nay, chưa nên giảm thuế GTGT với những mặt hàng xa xỉ hoặc một số loại hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng.

Về đề xuất chuyển lỗ về năm trước, theo ông Minh là không dễ thực hiện bởi đòi hỏi việc hạch toán khá phức tạp, doanh nghiệp nào có đội ngũ tư vấn tốt thì có thể thực hiện được nhanh và ngược lại.

“Muốn kích thích tiêu dùng thì giảm thuế GTGT, cách này vừa có lợi cho người tiêu dùng vừa có lợi cho doanh nghiệp. Muốn kích thích dòng vốn đầu tư thì xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cách thức này nhằm ưu đãi các doanh nghiệp khỏe, có khả năng phát triển. Căn cứ theo mục tiêu chính sách và nguồn lực triển khai, có thể chọn lựa các chính sách ưu đãi thuế phù hợp theo từng giai đoạn và diễn biến phục hồi của doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Từ phía cơ quan chức năng, ông Vũ Xuân Bách cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ quan thuế sẽ theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Chuyên đề