Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN |
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý 1 năm 2022 với GDP tăng trưởng 5,03%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay.
Đây là con số "biết nói" khẳng định kết quả của sự thay đổi tư duy, tầm nhìn cùng các quyết sách kịp thời của Chính phủ trong ứng phó với dịch COVID-19.
Kết quả này sẽ tạo ra cục diện mới vững chắc cho chặng đường tiếp theo khi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Thay đổi tư duy, tầm nhìn mang tính quyết định nhất là Chính phủ đã bền bỉ thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.
Các giải pháp quyết liệt được đưa từ việc thành lập Quỹ vaccine; ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đến tổ chức tiêm miễn phí quy mô lớn. Còn nhớ giữa năm 2021, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa ra dự báo Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.
Vậy mà với chính sách ngoại giao mềm dẻo cùng sự chung tay đóng góp Quỹ vaccine của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược vaccine thần tốc đã phủ hơn 205 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó gần 49 triệu liều mũi 3.
Khi thành lập Quỹ vaccine vào giữa năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19."
Cùng với tầm nhìn về thay đổi tư duy phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách để kịp thời hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Đó là việc ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022; quyết định mở lại đường bay quốc tế, mở cửa du lịch...
Dễ dàng nhận thấy, những quyết định này cùng với vũ khí vaccine đã truyền sinh lực tạo sự hứng khởi của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin của tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài.
Trong quý 1, tuy giá cả leo thang nhưng CPI chỉ tăng 1,92%; tình hình thế giới bất ổn, xung đột Nga-Ukraine căng thẳng, cả nước vẫn xuất siêu 809 triệu USD; giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 năm.
Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ nhờ vào những quyết sách kịp thời, tư duy linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới.
Và không phải ngẫu nhiên Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng "Tích cực."
Cơ sở để tổ chức này khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là ở các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan toả của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất ống xả ôtô THACO tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN |
Hơn hết, Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng.
Tuy nhiên, mọi kết quả không đến từ một phía, không chỉ ở thượng tầng kiến trúc.
Tại nhiều địa phương tiến độ triển khai đầu tư công vẫn chậm chạp "nước đến chân mới nhảy;" hiện tượng sốt đất ảo vẫn xảy ra; việc bỏ cọc đấu thầu đất tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã gây nên rối loạn giá đất đai mà không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Tại cơ quan công quyền một bộ phân công chức còn gây khó khăn về thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Rồi doanh nghiệp tự gây khó cho mình khi không nắm chắc các quy định, thủ tục trong thanh toán xuất nhập khẩu khiến nhiều cơ quan, đơn vị, hiệp hội cả trong nước và ngoài nước phải lao vào gỡ khó...
Những sự việc trên sẽ là những nút thắt cho sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, làm giảm sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Mà nguyên nhân chính là sự lơ là thiếu giám sát khâu quản lý, thực thi; là tâm lý việc không phải thuộc trách nhiệm của mình của các cấp, chính quyền địa phương. Đó còn là sự làm ăn thiếu bài bản, thiếu cẩn trọng hay không tôn trọng pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp.
Vẫn còn 3/4 chặng đường của năm 2022 để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% như Chính phủ đạt ra. Chặng đường này có suôn sẻ, thuận lợi đi đến đích, không chỉ từ tầm nhìn, sự nỗ lực của Chính phủ mà còn phụ thuộc vào bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được đẩy lùi, tình hình địa chính trị thế giới còn phức tạp khó lường; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi chậm, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Sự chung nhịp, cùng hướng đi sẽ tạo nên thành công cho chặng đường sắp tới.