Tăng trưởng kinh tế trong xu thế tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 9/2024, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global giảm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy “sức khỏe” ngành sản xuất có phần yếu đi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, S&P Global cho rằng, khó khăn chỉ là tạm thời do nhiều nhà sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan sản lượng sẽ sớm tăng trở lại.
Một số tổ chức nghiên cứu giữ nguyên quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Một số tổ chức nghiên cứu giữ nguyên quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Một số tổ chức nghiên cứu dự báo về khả năng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nước ta nếu các giải pháp Chính phủ đã ban hành được triển khai quyết liệt, tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Suy giảm tạm thời

Tại Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vừa công bố, S&P Global cho biết, bão Yagi gây ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9, do mưa lớn và lũ lụt làm gián đoạn sản xuất, dẫn đến tình trạng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global giảm từ 52,4 điểm trong tháng 8/2024 xuống 47,3 điểm trong tháng 9/2024 cho thấy "sức khỏe" ngành sản xuất có phần yếu đi, đồng thời báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại sau một giai đoạn tăng trưởng.

Tuy nhiên, S&P Global cho rằng, sự suy yếu chỉ là tạm thời. Theo S&P Global, nhiều nhà sản xuất vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng sẽ tăng trở lại trong năm 2025, tâm lý kinh doanh đang cải thiện khi các doanh nghiệp tin tưởng nhu cầu sẽ mạnh lên.

HSBC cũng nhận định về khả năng phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại của kinh tế Việt Nam sau bão Yagi. Theo chuyên gia HSBC, dù phải chịu tổn thất tạm thời do siêu bão Yagi gây ra, nhưng GDP cả năm 2024 và 2025 dự báo tăng trưởng ở mức 6,5%.

Các giải pháp đã được Chính phủ ban hành cần được triển khai quyết liệt và thực chất để giúp người dân và doanh nghiệp trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt tăng trưởng như kế hoạch.

HSBC cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ các ngành kinh tế trong nước, chẳng hạn, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ được áp dụng đến hết năm 2024… Cùng với đó, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 đang và sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản.

Ban Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kết thúc đợt tham vấn Điều IV của Điều lệ Quỹ với Việt Nam và công bố kết luận với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,1% trong năm 2024. IMF lưu ý rằng, những rủi ro tiêu cực vẫn còn cao. Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng cùng những tranh chấp thương mại gia tăng. IMF khuyến nghị, do dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn ít dư địa, chính sách tài khóa của Việt Nam nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, bão Yagi khiến một số tổ chức nghiên cứu thận trọng với dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan do nền kinh tế luôn đối mặt với nhiều yếu tố khó kiểm soát từ môi trường bên ngoài, trong khi khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, biểu hiện qua số doanh nghiệp rút khỏi thương trường rất lớn (gần 15.000 doanh nghiệp/tháng). Để đạt tăng trưởng như kế hoạch, ông Thành cho rằng, các giải pháp đã được Chính phủ ban hành cần được triển khai quyết liệt và thực chất, để giúp người dân và doanh nghiệp trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh.

Hiện Tổng cục Thống kê chưa công bố các chỉ tiêu vĩ mô 9 tháng đầu năm nay, nhưng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang có những nét vẽ ban đầu khi một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn công bố con số ước tính. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm ước đạt 13.036 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 490 tỷ đồng. Như vậy, Vinatex ước thực hiện được gần 73% chỉ tiêu doanh thu và hơn 89% mục tiêu lợi nhuận năm. Báo cáo với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngày 1/10/2024, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất ước đạt 16.207 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.850 tỷ đồng. Ước cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 26.307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.450 tỷ đồng, bằng 108,43% kế hoạch.

Chỉ số PMI ngành sản xuất việt nam do S&P Global công bố điều chỉnh theo mùa, > 50 = cải thiện so với tháng trước. Dữ liệu được thu thập từ ngày 12 đến ngày 20/9/2024 - Nguồn: S&P Global PMI
Chỉ số PMI ngành sản xuất việt nam do S&P Global công bố điều chỉnh theo mùa, > 50 = cải thiện so với tháng trước. Dữ liệu được thu thập từ ngày 12 đến ngày 20/9/2024 - Nguồn: S&P Global PMI

Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam công bố, 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính, Tổng công ty có thể ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 120.000 tỷ đồng trong năm nay nếu giá dầu không xuống mức quá thấp.

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 361 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 25% và 17% so với cùng kỳ năm. Với kết quả này, Công ty hoàn thành khoảng 90% kế hoạch kinh doanh năm 2024…

TS. Cấn Văn Lực nhận định, bên cạnh những khó khăn đã được nhận diện, nền kinh tế Việt Nam có một số yếu tố thuận lợi để tiếp tục vững đà tăng trưởng. Trong đó, điểm đáng chú ý là việc Fed giảm lãi suất điều hành, giúp lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm, từ đây kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh nói chung. Đối với Việt Nam, hành động của Fed giúp giảm áp lực tỷ giá USD/VND, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp trong nước.

Để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý IV và cả năm nay, một trong các kiến nghị được ông Lực đề xuất là phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác. Theo đó, chính sách tài khóa cần tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, giúp lực lượng nòng cốt này trụ vững và đóng góp cho tăng trưởng.

Chuyên đề