Tăng tốc hỗ trợ để doanh nghiệp trụ lại thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một thời gian dài đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng phi mã…, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị bào mòn. Bước sang năm 2024, khó khăn tiếp tục bủa vây khiến nhiều DN phải rút khỏi thị trường. Với thực tế này đặt ra yêu cầu tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp một cách thực chất để hỗ trợ DN.
Trong tháng 1/2024, cả nước có hơn 27.335 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tiên Giang
Trong tháng 1/2024, cả nước có hơn 27.335 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tiên Giang

Doanh nghiệp đang rất khó

Quan sát tình hình hoạt động của DN trong gần 2 tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, DN đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Hiện chỉ thấy DN xây dựng phục vụ lĩnh vực đầu tư công cho công trình giao thông sống sót tốt, còn “sức khỏe” của hầu hết DN lĩnh vực khác đang rất yếu”, bà Thảo đánh giá.

Nhìn vào số liệu tình hình hoạt động DN tháng 1, bà Thảo chia sẻ: “Có lẽ chưa có tháng đầu năm nào như năm nay khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng cao, đi ngược với thông lệ. Cụ thể, trong tháng 1, cả nước có hơn 27.335 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động (gồm 13.536 DN thành lập mới và 13.799 DN quay trở lại hoạt động); nhưng có đến 53.888 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó chủ yếu là tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Đây là điều đáng ngại”.

Cách đây ít ngày, Công ty CP Hùng Vương, một trong những DN nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã có văn bản gửi các cổ đông phương án về việc tái cơ cấu nợ bằng cách thoái toàn bộ vốn góp tại các đơn vị thành viên để thanh toán, xử lý triệt để nợ vay của DN.

Ghi nhận của Báo Đấu thầu cũng cho thấy, mặc dù hưởng lợi từ các gói thầu hạ tầng quy mô lớn, nhiều nhà thầu xây dựng ghi nhận doanh thu năm 2023 tăng mạnh, nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể. Đơn cử, doanh thu năm 2023 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tăng 50% so với năm 2022, đạt 12.704 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 64%, chỉ đạt 336,4 tỷ đồng.

Hàng loạt DN không đạt kết quả kinh doanh hay ghi nhận lỗ sâu trong quý IV/2023 như Nhiệt điện Hải Phòng, Nước giải khát Chương Dương, PGBank…

Tăng tốc tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp

Năm 2024, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiều dự báo cho thấy kinh tế nước ta vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Với kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với hoạt động DN, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh cần được tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực phát triển cho DN. Tuy nhiên, điều đáng ngại là từ năm ngoái đến nay, gần như chưa có hành động thực sự đủ mạnh để hỗ trợ DN. “DN khó không chỉ về nguồn hàng, đơn hàng mà nhiều vướng mắc của DN năm 2023 đến nay không có gì tiến triển…”, bà Thảo nói.

Bà Thảo cho biết, điều đáng mừng là năm nay, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết với nhiều giải pháp cụ thể được các DN đặt nhiều kỳ vọng, coi đó là điểm tựa niềm tin để triển khai các kế hoạch phục hồi và tìm kiếm cơ hội phát triển. Đây cũng là cơ sở tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng trở lại.

Trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư tư nhân, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục đề xuất thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN phát triển.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương, tổ chức, hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với các nhiệm vụ như: đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ DNNVV tới cộng đồng DN để thu hút sự tham gia của các DNNVV có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các chính sách…

Bộ KH&ĐT đề xuất giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi, trong đó quy định chính sách ưu đãi cho DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV; quy định chính sách thuế thu nhập DN hợp lý, khuyến khích các DN đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Đầu tư hay quy định chính sách thuế thu nhập DN để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đã xây dựng xong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tại Dự thảo Chương trình, Bộ đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực DN phát triển mạnh mẽ.

Chuyên đề