Tăng tốc giải ngân dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thanh toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) niên độ tới 31/1/2023 cho thấy áp lực giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia đang rất nặng nề. Lượng vốn đầu tư công kéo dài sang năm 2022, vốn kế hoạch năm 2022 chưa giải ngân và vốn kế hoạch năm 2023 là rất lớn, cần sự nỗ lực cao độ để dòng vốn này sớm thẩm thấu vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Tính tới 31/1/2023, tổng số vốn giải ngân của Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là 9.409,2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tính tới 31/1/2023, tổng số vốn giải ngân của Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là 9.409,2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu thanh toán vốn ước thực hiện 13 tháng kế hoạch năm 2022 tính tới 31/1/2023 được Bộ Tài chính công bố, Dự án Thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tiếp tục gặp vướng mắc khiến tiến độ thanh toán vốn không có chuyển biến đáng kể trong 4 tháng gần đây. Dự án này có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế đã bố trí vốn đến năm 2021 là hơn 22.855 tỷ đồng. Số liệu mới nhất tính tới 31/1/2023, lượng vốn giải ngân của Dự án là hơn 16.697 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân 73,06%, chỉ nhích nhẹ so với tỷ lệ 72,83% từ hơn 3 tháng trước đây. Tốc độ giải ngân chững lại trong nhiều tháng nay đưa ra chỉ dấu rằng dự án quan trọng hàng đầu quốc gia này đang gặp những vướng mắc khó gỡ.

Trước đó, như Báo Đấu thầu đã thông tin, UBND tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư) hiện đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 98,06% phần diện tích 1.810 ha của giai đoạn 1 thuộc Dự án. Tuy nhiên, niên độ Dự án (2017 - 2021) đã kết thúc nên việc giải ngân gặp khó khăn. Tỉnh đang đề nghị gia hạn kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn qua năm 2023. Ngoài ra, Dự án còn vướng mắc bởi sự khác biệt ý kiến giữa Kiểm toán Nhà nước và tỉnh Đồng Nai xung quanh một số vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Với Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, số liệu Bộ Tài chính cho thấy, vốn NSNN giải ngân cho Dự án tới ngày 31/1/2023 khoảng hơn 46.871 tỷ đồng, đạt 70,7% tổng kế hoạch vốn được giao. Trong đó, thuộc kế hoạch vốn năm 2022 là 15.068 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch năm 2022.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, tiến độ thực hiện Dự án mới đạt khoảng 62,2% giá trị hợp đồng, chậm 2,4% so với kế hoạch. Theo đó, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Hiện Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km) đã đưa vào khai thác. Còn lại 9 dự án thành phần khác đang tiếp tục thi công. Tổng giá trị xây lắp hoàn thành đến đầu tháng 1/2023 đạt khoảng 35.945 tỷ đồng trên tổng số 57.756 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Qua bóc tách số liệu cho thấy, lượng vốn NSNN đã bố trí cần giải ngân trong năm 2023 của Dự án là khoảng 19.399 tỷ đồng. Hiện nay, thông tin từ một số ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải cho thấy, tình hình triển khai khá thuận lợi, các nhà thầu đang tăng tốc để bảo đảm tiến độ xây dựng.

Về Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã giao là hơn 119.644 tỷ đồng. Số vốn này đã được Bộ Giao thông vận tải phân bổ chi tiết cho từng dự án thành phần. Trong đó kế hoạch năm 2022 là 9.521 tỷ đồng và năm 2023 là 43.226 tỷ đồng. Tính tới 31/1/2023, tổng số vốn giải ngân của Dự án là 9.409,2 tỷ đồng. Trong đó, thuộc kế hoạch năm 2022 là 8.887,4 tỷ đồng; thuộc kế hoạch năm 2023 là 521,8 tỷ đồng. Theo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đã bàn giao GPMB được 546 km trên tổng số 721,2 km, đạt 76%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng Dự án vào quý II/2023.

Có thể thấy, khối lượng vốn đầu tư công đã được bố trí cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết số vốn này, chủ đầu tư các dự án cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để tăng tốc thực hiện. Đặc biệt, đối với Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, bên cạnh việc đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công 12 gói thầu mới khởi công, các ban quản lý dự án cần sớm hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu để khởi công xây dựng 13 gói thầu xây lắp còn lại. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia… Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… thực hiện ngay khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn”.

Đi qua gần 2 tháng đầu năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các chủ đầu tư vẫn còn tâm lý đầu năm “thong dong” và không có các giải pháp quyết đoán thì kịch bản áp lực giải ngân “dồn toa” vào thời điểm cuối năm sẽ tái diễn.

Chuyên đề