Tăng sức mạnh cho nền kinh tế

(BĐT) - Như cách nói của Thủ tướng, Việt Nam đang trong cuộc chạy maraton đường trường, không phải chỉ là dốc sức cho chạy đua nước rút. Vậy điều gì sẽ củng cố “sức khỏe” cho nền kinh tế để không bị đuối sức, bị tụt lại trong cuộc đua dài này? 
Nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu là một trong những động lực phát triển nền kinh tế. Ảnh: Trần Việt
Nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu là một trong những động lực phát triển nền kinh tế. Ảnh: Trần Việt

Có lẽ trong bối cảnh Việt Nam lúc này không có lời giải nào khác là phải tăng năng suất lao động, để nền kinh tế đủ sức cạnh tranh, đủ sức mạnh vươn đến thịnh vượng.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn, không được phép cho bộ máy phát triển dừng lại. Việt Nam cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo.

Để đến năm 2035 đạt mục tiêu mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD, nhìn vào những lợi thế của Việt Nam về tài nguyên, về lao động giá rẻ đã dần tới hạn, dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư không còn nhiều vì nguồn vốn hạn hẹp, tăng năng suất càng có ý nghĩa quan trọng, bởi “năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu về dài thì nó gần như là tất cả”.

Thế nhưng, Việt Nam đang đứng ở đâu về năng suất lao động?

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 đánh giá, trong vài năm gần đây, sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, của Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay khó có thể đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Singapore.

Dư địa tăng năng suất, thúc đẩy phát triển kinh tế vẫn còn nhiều. Quan trọng lúc này là hành động, để không lãng phí tiềm năng và cơ hội bứt phá, để mục tiêu trở thành “con hổ mới về kinh tế” của châu Á ngày càng gần lại trên con đường đi tới thịnh vượng.
Câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ” của Nhật Bản mà GS. Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể là một bài học ấn tượng, đáng quý đối với Việt Nam. Nhật Bản đã có gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955 - 1973) có tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm khoảng 10% với tốc độ gia tăng năng suất lao động rất cao. “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.

GS. Trần Văn Thọ cho biết, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, Nhật Bản cũng có những đặc điểm khá tương đồng với Việt Nam về dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động và nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lao động lớn nhưng năng suất lao động thấp.

Với Việt Nam, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển với tốc độ cao, vượt bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau. Dư địa để tăng năng suất vẫn còn nhiều, vấn đề là tận dụng thời cơ và hành động

Vậy những dư địa ấy là gì? Theo GS. Trần Văn Thọ là chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng quy mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay. GS. Trần Văn Thọ nói rõ hơn, đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Trong khi đó, Việt Nam đã sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng “hậu” công nghiệp quá sớm.

Cách thức cụ thể, theo GS. Trần Văn Thọ là phải cải thiện thị trường lao động, thị trường vốn để các nguồn lực di chuyển đến các khu vực có năng suất cao. Không chỉ khuyến khích khởi nghiệp, mà còn có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp sớm đạt quy mô. Những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may cũng phải tăng quy mô doanh nghiệp thì mới có động lực cách tân công nghệ, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng chung quan điểm còn dư địa lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế; phân bổ lại nguồn lực, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế.

Ông Cung cũng chỉ ra nhiều động lực mới để tăng năng suất đang dần xuất hiện. Đó là động lực từ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tăng dần và còn nhiều tiềm năng. Động lực từ hội nhập cần được khai thác tốt hơn trên cả khía cạnh nâng cao đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thúc đẩy năng suất và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu. Động lực từ tận dụng dư địa hiệu quả sử dụng nguồn lực công;…

Từ đó, theo ông Cung, nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng năng suất lao động trên 6% trong nhiều năm tiếp theo, qua đó, đạt tăng trưởng GDP trên 7%/năm, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác.

Dư địa vẫn còn nhiều và nhìn thấy rõ, quan trọng lúc này vẫn là hành động, để không lãng phí tiềm năng và cơ hội bứt phá, để mục tiêu trở thành “con hổ mới về kinh tế” của châu Á ngày càng gần lại trên con đường đi tới thịnh vượng.

Chuyên đề