Đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Ảnh: Lê Tiên |
Theo một số chuyên gia, khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn, thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ sẽ góp phần tăng năng suất của Việt Nam.
Nhiều cách để tăng năng suất
GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo cho biết, có 3 phương pháp luận về vấn đề tăng năng suất. Theo đó, đầu tiên là phương pháp tái phân bổ nguồn lực cần hướng tới cải cách thể chế để hoàn thiện thị trường lao động, thị trường vốn để lao động và tư bản dịch chuyển đến các lĩnh vực có năng suất cao.
Hai là, phương pháp cách tân công nghệ. Đối với nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, khoảng cách công nghệ với nước ngoài còn rất lớn. Do đó, chỉ cần tích cực chọn lựa công nghệ, du nhập công nghệ là rút ngắn khoảng cách phát triển. Công nghệ du nhập cộng với hoạt động đầu tư, thay đổi thiết bị sẽ tăng năng suất nhanh. GS. Thọ nhấn mạnh, hai yếu tố làm tăng năng suất tổng hợp là cải cách thể chế và cách tân công nghệ. Đối với nước thu nhập trung bình thấp, việc hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất và chọn lựa, du nhập công nghệ là quan trọng.
Ba là, phương pháp công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp. Với Việt Nam, công nghiệp hóa có ý nghĩa chiến lược. Các ngành công nghiệp là khu vực có năng suất cao, trở thành đầu tàu cho nền kinh tế. Nếu công nghiệp hóa không được thúc đẩy, lao động dư thừa sẽ vẫn tồn tại trong nông nghiệp hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị gia tăng thấp, năng suất thấp.
Đồng quan điểm, GS. Lê Văn Cường, Đại học Kinh tế Paris (Pháp) cho biết, năng suất là yếu tố cốt lõi để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở năng suất lao động thì đó là một sự thiếu sót. Theo ông, hiện mọi người nói rất nhiều về năng suất lao động nhưng lại quên đi năng suất vốn và năng suất tổng hợp.
“Vốn khác với lao động bởi nó là kết quả của một quá trình tích luỹ theo thời gian của đầu tư. Đầu tư vào vật chất ngày hôm nay sẽ được tính vào vốn của ngày mai. Nếu chúng ta chuyển sang mua công nghệ mới kết hợp với đầu tư vào máy móc, vốn cuối cùng sẽ có hiệu quả, năng suất cao hơn”, GS. Lê Văn Cường phân tích.
Trong một hội thảo gần đây, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cũng khẳng định, cải thiện năng suất không chỉ nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Đây là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế.
Mũi đột phá năng suất từ công nghiệp hóa
Do đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Nếu công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.
Đề xuất chiến lược, chính sách giai đoạn tới, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa với diện vừa rộng vừa sâu, trong đó về diện rộng có thể chú trọng tới 2 lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam có lợi thế là các loại máy móc và công nghiệp thực phẩm; diện sâu là quá trình công nghiệp hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tăng thêm.
Ngoài ra, không chỉ khuyến khích khởi nghiệp mà còn phải có chính sách nuôi dưỡng để doanh nghiệp sớm tăng quy mô, có thể tập trung đầu tư đổi mới, cách tân công nghệ, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh. Để làm được việc này, cần phát huy lợi thế của nước đi sau, khuyến khích doanh nghiệp tích cực du nhập công nghệ, ưu tiên ngoại tệ cho du nhập công nghệ.
Ở góc nhìn của mình, GS. Lê Văn Cường khuyến nghị, phải tìm được cách phân bổ tối ưu giữa mua máy móc và công nghệ mới, số tiền chi tiêu cho giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương. Do vậy, không thể tách độc lập vấn đề về năng suất vốn và năng suất lao động ra riêng. Phải có sự kết hợp hợp lý hai loại năng suất này để phát triển bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm đến yếu tố thứ ba là năng suất tổng hợp (TFP). Giả sử hai nước có năng suất lao động, năng suất vốn bằng nhau nhưng khác nhau về TFP thì nước nào có TFP thấp hơn sẽ bị đào thải bởi giá thành sản xuất của họ cao hơn giá thành sản xuất của nước kia.