Ảnh Internet |
Thu nhập của người lao động còn thấp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 55 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 77% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên). Trong đó có hơn 22 triệu lao động làm công ăn lương (chiếm 40% lực lượng lao động) và 9,5 triệu lao động có hợp đồng lao động (chiếm khoảng 17% lực lượng lao động, là đối tượng điều chỉnh bởi mức lương tối thiểu vùng).
Tuy nhiên hiện nay, mức thu nhập của người lao động (NLĐ) thuộc khu vực DN vẫn còn thấp. Số liệu khảo sát năm 2017 cho thấy, hơn 50% NLĐ có thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống; khoảng 21% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% có thu nhập không đủ sống và chỉ có 16% NLĐ có tích luỹ từ thu nhập.
Tổng cục Thống kê cho biết, để các DN không trả mức lương quá thấp cho NLĐ, Nhà nước đã có quy định về mức lương tối thiểu vùng. Đây có thể coi như “mức lương sàn” mà các DN phải đáp ứng cho NLĐ. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, mặc dù mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ trong khối DN đã được điều chỉnh tăng 5 lần, nhưng theo đánh giá, tiền lương hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Nguyên nhân là sự điều chỉnh tăng lương qua các lần vẫn còn khá khiêm tốn (chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, như năm 2017 là tăng 180.000 - 250.000 đồng tùy theo vùng).
Tăng lương để nâng cao năng suất lao động
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp chính là tiền lương, thu nhập, đãi ngộ đối với NLĐ chưa bảo đảm, trong khi vấn đề tăng năng suất lao động chỉ trở thành động lực đối với NLĐ khi họ đạt được mục tiêu của mình, mà mục tiêu hàng đầu là thu nhập.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân NLĐ, gia đình của họ và tái sản xuất sức lao động của NLĐ. “Khi đời sống của NLĐ được bảo đảm, họ sẽ yên tâm làm việc và sẽ cố gắng làm việc một cách hiệu quả, do vậy, năng suất lao động sẽ tăng lên. Năng suất lao động cá nhân có vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất. Việc tăng hay giảm năng suất lao động cá nhân quyết định phần lớn sự tồn tại và phát triển của một DN, do đó, hầu hết các DN đều chấp nhận bỏ chi phí lao động tương xứng để trả công theo năng suất lao động cá nhân” - ông Lâm phân tích.
Cũng theo ông Lâm, muốn tăng năng suất lao động, cần phải tăng lương thỏa đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, việc tăng lương này cũng còn phụ thuộc vào sức khỏe của DN, của nền kinh tế, để xử lý hài hòa và chặt chẽ mối quan hệ giữa DN và NLĐ.
Theo nhận định của Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách tiền lương, thưởng trong DN nếu phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy năng suất lao động. Việc trả lương thấp, thiếu công bằng, không dựa trên năng suất lao động cá nhân có thể dẫn đến những xung đột giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong nền kinh tế.
Tại dự thảo Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII, bên cạnh việc cải cách chính sách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức thuộc khối hành chính sự nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đưa ra một số đề xuất liên quan đến tiền lương trong khu vực DN. Trong đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng, Đề án bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. DN (kể cả DN 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN.
Song song với việc xây dựng Đề án, Bộ LĐTB&XH cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Để bảo đảm mức lương tương xứng cho NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, để NLĐ được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc.