Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Nhiều hoạt động kết nối
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với định hướng mới trong thu hút FDI là tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, thời gian qua, một số DN lớn của nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã có nhiều chương trình thiết thực nhằm xây dựng các chuỗi giá trị, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước. Đây là tín hiệu bước đầu trong cải thiện chất lượng vốn FDI và nâng cao giá trị gia tăng của dòng vốn này đối với nền kinh tế.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Việt Nam cung cấp cho Samsung ngày một tăng. Nếu như giai đoạn 2014 - 2015, chỉ có 10 DN của Việt Nam được chọn là nhà cung ứng cho Samsung thì đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 29 nhà cung ứng cấp 1 và khoảng hơn 200 nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 được chọn là nhà cung ứng cho tập đoàn này. Ban đầu các sản phẩm cung cấp chỉ đơn giản như đóng gói bao bì, nhưng qua thời gian với sự hướng dẫn của Samsung, số DN Việt Nam cung cấp sản phẩm đã mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn.
Đặc biệt, ông Bang Hyun Woo cho biết, để giúp các DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng của Samsung, mỗi năm Tập đoàn tổ chức hai triển lãm/hội thảo tìm kiếm các nhà cung ứng. Mới đây nhất, thông qua sự kiện này, Samsung đã lựa chọn được 138 DN nhỏ và vừa Việt Nam để đưa vào danh sách DN có tiềm năng, từ đó triển khai các hoạt động bồi dưỡng đưa các DN này trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn.
Còn với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, thời gian qua, Big C Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là thực phẩm để tiếp cận với thị trường quốc tế. Đơn cử, hệ thống siêu thị của Big C Việt Nam đã xuất khẩu được sản phẩm vải Lục Ngạn sang thị trường Thái Lan thông qua hệ thống các siêu thị của Tập đoàn tại nước này và được người tiêu dùng Thái Lan đánh giá cao.
Đẩy mạnh liên kết, rút ngắn khoảng cách
Khẳng định vốn FDI tiếp tục là nguồn lực bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới, song nhiều chuyên gia vẫn trăn trở khi Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội từ hội nhập. Tính lan tỏa của khu vực DN FDI với DN trong nước còn hạn chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, quy mô FDI trong nền kinh tế khá lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao. Phần lớn các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất cho các ngành sản xuất của DN FDI vẫn là nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu phát triển của DN FDI chưa được thành lập nhiều ở Việt Nam. DN FDI vẫn tồn tại tương đối biệt lập với DN trong nước, tác động lan tỏa của FDI về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.
Nêu giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa hai khối DN nêu trên, ông Lộc cho rằng, giai đoạn tới, cần cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng của dòng vốn FDI nhằm đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, muốn thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước, cần có các giải pháp để hỗ trợ DN trong nước phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để tiệm cận với DN nước ngoài. Chúng ta không thể kìm hãm hoặc không khuyến khích khối DN nước ngoài phát triển, mà phải gắn kết chặt chẽ hai khối DN này với nhau để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cùng phát triển lớn mạnh. Đây sẽ là nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.