Tăng kết nối giao thông liên vùng: Sức bật cho đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những chuyển động mạnh mẽ trong đầu tư hạ tầng giao thông như sân bay quốc tế, đường bộ cao tốc, đường vành đai... kỳ vọng cải thiện một bước căn bản liên kết không gian liên vùng, mang tới sức bật mới cho “đầu tàu” kinh tế Đông Nam Bộ.
Theo tính toán sơ bộ, trong 4 năm tới, hơn 100 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được “rót” vào hệ thống hạ tầng giao thông lớn vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Song Lê
Theo tính toán sơ bộ, trong 4 năm tới, hơn 100 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được “rót” vào hệ thống hạ tầng giao thông lớn vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Song Lê

Dồn lực làm hạ tầng kết nối

Ông Mai Trí Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phúc Long chia sẻ, kế thừa thành công của Khu công nghiệp (KCN) Phúc Long giai đoạn I, Công ty đang dốc sức đầu tư KCN Phúc Long mở rộng với diện tích 334,5 ha tại thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An theo mô hình KCN sạch, thông minh, kỹ thuật cao và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng xanh. Theo ông Hiếu, quyết định mở rộng KCN nhằm nắm bắt xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam. Một yếu tố khác là hạ tầng giao thông kết nối KCN Phúc Long như cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Bến Lức - Hiệp Phước, Vành đai 3 TP.HCM, sân bay quốc tế Long Thành… đang được Chính phủ tăng tốc đầu tư kỳ vọng hỗ trợ giá bất động sản công nghiệp.

Không riêng ông Hiếu, nhiều doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ đều chia sẻ sự lạc quan và hứng khởi khi hàng loạt dự án giao thông kết nối liên vùng được quyết định đầu tư. Theo tính toán sơ bộ, trong 4 năm tới, hơn 100 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được “rót” vào hệ thống hạ tầng giao thông lớn vùng Đông Nam Bộ. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, trong tháng 9/2022 sẽ lựa chọn nhà thầu EPC xây dựng phần thân nhà ga hành khách Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là hạng mục công trình hiện đại, mang tầm quốc tế với mức đầu tư 40 nghìn tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý IV năm nay.

Vừa qua, Chính phủ lần lượt ban hành các nghị quyết triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng giúp kết nối các KCN vùng lõi Đông Nam Bộ tới các cảng biển TP.HCM, mở rộng không gian phát triển liên vùng. Tuyến đường có chiều dài 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần đi qua địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng mức đầu tư 75.000 tỷ đồng. Dự kiến cuối tháng 11/2022 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần. Theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, các địa phương bắt đầu giải phóng mặt bằng (GPMB) từ tháng 10/2022… để khởi công xây dựng vào tháng 6/2023.

Tương tự, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tích cực triển khai. Cao tốc có chiều dài khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 17.837 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án thành phần địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hai địa phương đang chạy đua chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư phục vụ GPMB với mốc thời gian tháng 6/2023 bàn giao 70% diện tích mặt bằng khởi công xây dựng.

Mới đây, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 57,8 km, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD cũng được tái khởi động sau khi giải quyết các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn.

Ngoài các dự án kể trên, còn nhiều dự án khác đã hoàn thành như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, đang xây dựng như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hay nghiên cứu đầu tư như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… đã và sẽ góp phần gia tăng kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Sức bật mới cho tăng trưởng

Với những khoản đầu tư lớn trong tương lai gần, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành các trục dọc, trục vành đai tuần hoàn tăng kết nối các địa phương với hạt nhân trung tâm TP.HCM, tạo sức hút đột phá mới cho phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải có bước tiến nhảy vọt về sản lượng hàng hóa. Riêng CMIT, giai đoạn 2017 - 2020, tăng trưởng sản lượng hàng hóa luôn đạt ngưỡng 2 con số. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong dài hạn, việc triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp gỡ nút thắt phát triển cho khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ các KCN trong vùng tới cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam này.

Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đánh giá cao các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được khởi động, mở ra cơ hội kinh doanh và đặt niềm tin vào sức bật mới của đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ.

Ông Phạm Văn Cảnh, Chuyên gia Hội đồng cố vấn Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM cho biết, tuyến đường được quy hoạch nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc, mang tầm quan trọng quốc gia và được ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh hai bên đường, giảm ách tắc giao thông ở TP.HCM. Vành đai 3 cùng các tuyến đường cao tốc hiện hữu và sắp được đầu tư sẽ hình thành mạng lưới đường bộ đồng bộ, hiện đại cho vùng Đông Nam Bộ. Khi hoàn thành đầu tư, Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương Dự án đi qua. Đồng thời mở ra không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất, tăng hiệu quả đầu tư đối với các địa phương lân cận. Đặc biệt, hệ thống giao thông này không chỉ tăng liên kết nội vùng mà thông qua cửa ngõ tỉnh Long An sẽ tăng kết nối giữa vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp bổ trợ, khai thác tốt tiềm năng của 2 vùng này. Ông Cảnh dự báo, năng lực lưu thông liên vùng được cải thiện mạnh mẽ sẽ giúp tăng sức bật cho nền kinh tế cũng như quy mô GRDP trong giai đoạn tới năm 2030.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất như các tuyến liên kết trung tâm công nghiệp với cảng biển vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Chậm đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển và ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Những năm tới, Chính phủ và các địa phương nỗ lực dành lượng lớn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trọng điểm. Nguồn vốn này cần được đầu tư kịp thời, tạo thêm lực đẩy tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực kinh tế như sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu… Chính quyền TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ cần nhanh chóng thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư, nhất là tháo gỡ các nút thắt về GPMB để thực hiện nhanh, hiệu quả kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư