Tăng hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư metro Nhổn - ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng mức đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội được điều chỉnh tăng hơn 1.900 tỷ đồng, thời gian hoàn thành gia hạn đến năm 2027.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong Quyết định số 3785/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn ký cho biết, UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội với thời gian thực hiện Dự án năm 2009 - 2027.

Tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh lên hơn 34.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hơn 32.900 tỷ đồng theo Quyết định số 4007 ngày 28/6/2013 của UBND TP. Hà Nội.

Trong đó, chi phí xây dựng tăng từ hơn 11.489 tỷ đồng lên hơn 13.800 tỷ đồng; chi phí thiết bị tăng từ hơn 9.350 tỷ đồng lên hơn 12.554 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả di chuyển công trình ngầm, nổi) tăng từ 974 tỷ đồng lên hơn 1.356 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng điều chỉnh từ gần 1.800 tỷ đồng lên hơn 3.357 tỷ đồng.

Riêng hạng mục chi phí khác điều chỉnh giảm từ hơn 3.534 tỷ đồng xuống hơn 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm từ hơn 5.384 tỷ đồng xuống 1.328 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án cũng có sự thay đổi so với cơ cấu được duyệt tại Quyết định số 4036 ngày 26/7/2019 của UBND TP. Hà Nội.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước được điều chỉnh từ hơn 6.148 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ODA giảm từ hơn 26.761 tỷ đồng xuống hơn 24.782 tỷ đồng.

Về nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, UBND Thành phố cho biết, do sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện Dự án; do chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí…

Về lý do phải gia hạn thực hiện, có 4 nguyên nhân chủ quan được cơ quan chức năng Hà Nội đưa ra, gồm: công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, ngành Thành phố chưa quyết liệt; chậm trễ, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực triển khai của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư, các sở, ngành Thành phố còn nhiều hạn chế; năng lực Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) là nhà thầu thực hiện Gói thầu CP05 Công trình kiến trúc depot hạn chế và chậm trễ.

Cùng với đó, UBND Thành phố cũng nêu 5 nguyên nhân khách quan, trong đó có vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định hợp đồng quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện hành; quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (UBND TP. Hà Nội là cấp phê duyệt đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư) đang được triển khai có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha và 10 đoàn tàu.

Chuyên đề