Tăng cường quản lý DN sau thành lập

(BĐT) - Trong 11 tháng đầu năm 2019, trên cả nước trên 40.000 doanh nghiệp (DN) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Đây là những DN không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Tại hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật DN (sửa đổi) mới đây, một số ý kiến đã đề xuất bổ sung quy định để quản lý DN sau đăng ký kinh doanh tốt hơn.
Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng “kẽ hở” trong thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để trục lợi. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng “kẽ hở” trong thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để trục lợi. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều hệ lụy

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ghi nhận, 11 tháng đầu năm, cả nước có 41.460 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 14.201 DN, chiếm 34,2%; xây dựng với 6.413 DN, chiếm 15,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.848 DN, chiếm 11,7%. Các địa phương có số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng...

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật DN (sửa đổi), ông Trương Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cho biết, thực hiện quy định của pháp luật về DN, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội đã yêu cầu DN báo cáo về tình trạng không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. Kết quả cho thấy, tình trạng DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh liên tục tăng dẫn đến chi phí cho công tác gửi thông báo đến DN rất lớn. “Đa phần các DN phản ánh không nhận được bất cứ thông báo nào về vấn đề này của Phòng Đăng ký kinh doanh. Lý do là thực tế DN không còn hoạt động tại đại chỉ đăng ký”, ông Dũng thông tin.

Ở góc độ của cơ quan thuế, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai thuộc Tổng cục Thuế cũng nhìn nhận, thực tế có nhiều người là đại diện pháp luật cho hơn một DN. Người đại diện DN này đang nợ thuế nhưng vẫn được thành lập DN mới. Khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra thuế thì DN ngay lập tức xin ngừng hoạt động kinh doanh, nhưng rồi lại thành lập DN mới. Điều này gây thiệt hại về thu ngân sách nhà nước cũng như gây bất bình đẳng với các DN tuân thủ nghiêm túc.

Mặt khác, theo đại diện Công ty Luật Bizlink, có hiện tượng “ve sầu thoát xác”, tức là sau khi DN hoạt động một thời gian thì tìm cách chuyển tài sản sang DN khác, DN cũ ngày càng nhỏ đi, thua lỗ, tránh các nghĩa vụ. Điều này khiến các DN cạnh tranh không bình đẳng, không minh bạch và đặc biệt nguy hiểm là nhiều DN hợp tác với họ sau đó không thu hồi được các khoản nợ, chứng từ… 

Cần chế tài chặt chẽ hơn

Để quản lý tốt hơn DN sau đăng ký kinh doanh, ý kiến của một số đại diện cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, luật sư, DN cho rằng, Luật DN (sửa đổi) lần này cần bổ sung thêm quy định phục vụ công tác quản lý DN sau đăng ký kinh doanh. “Thực tế DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh đặt ra yêu cầu hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DN cần được bổ sung thêm quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký và hoạt động của DN để thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, ông Dũng gợi ý.

Đồng quan điểm, Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, có thể thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trong trường hợp DN đăng ký tại địa chỉ trụ sở mà không có quyền sử dụng/sở hữu hợp pháp, sử dụng không đúng mục đích... Mặt khác, để quản lý DN sau đăng ký thì việc đăng ký thông tin địa chỉ email của DN trong hồ sơ đăng ký DN là bắt buộc, trường hợp DN không đăng ký thì hồ sơ được coi là không hợp lệ.

Công  ty Luật Bizlink mong muốn Luật DN (sửa đổi) tới đây sẽ quản lý chặt chẽ hơn về đầu ra của DN. Chẳng hạn như có biện pháp quản lý, công bố công khai về người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu, người góp vốn… để các DN chân chính có thể kiểm tra trước khi hợp tác.

Cho rằng quản lý DN sau đăng ký kinh doanh là vấn đề quan trọng, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi), điều quan trọng hơn là phải tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN có thể hoạt động tốt sau khi thành lập. “Trên thực tế, các DN sau khi thành lập vẫn gặp vô vàn rào cản về điều kiện kinh doanh, chi phí... Vì thế, để DN sống và phát triển được thì các rào cản này phải được gỡ bỏ nhằm trợ giúp các DN sau thành lập”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư