Tăng cường nội lực để bứt phá mạnh mẽ

(BĐT) - Hơn 800.000 doanh nghiệp Việt Nam đang cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chọn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kiên định theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung, ứng phó linh hoạt phù hợp với nhịp biến động chung, sẵn sàng để bứt phá và phát triển mạnh mẽ.
Cầu Rạch Miễu 2 đang được thi công bởi những nhà thầu Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Cầu Rạch Miễu 2 đang được thi công bởi những nhà thầu Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Phát huy tinh thần và bản lĩnh của người lính trên mặt trận kinh tế

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, giá cả vật tư, vật liệu tăng phi mã và khan hiếm, thời tiết bất thường, song Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã phát huy tốt tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Luôn coi trọng “chữ tín” với các chủ đầu tư và được tin tưởng, giao triển khai nhiều công trình quy mô lớn từ Bắc đến Nam trên nhiều lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, thủy điện, sân bay, dân dụng, dò tìm và xử lý bom mìn, vật liệu nổ…, Tổng công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn của ngành xây dựng, tham gia hầu hết các công trình trọng điểm của đất nước.

Thời gian tới, để bảo đảm được tiến độ các dự án đang đảm nhận, đưa các công trình trọng điểm của đất nước về đích đúng hẹn, những người lính của Tổng công ty Trường Sơn sẽ liên tục bám công trường, nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” theo yêu cầu công việc từng dự án.

Vượt qua những khó khăn và trở ngại trong quá trình thi công, trên mỗi công trường xây dựng, những người lính của Tổng công ty Trường Sơn đều thể hiện bản lĩnh “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” với mục tiêu xuyên suốt là tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Traphaco có nhiều dư địa tăng trưởng thuốc tân dược chất lượng cao

Bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco

Theo các tổ chức nghiên cứu thị trường, tổng dung lượng thuốc điều trị các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý gan mật và kháng sinh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi nhóm. Do đó, Traphaco có rất nhiều dư địa để phát triển, chiếm lĩnh thị trường thuốc tân dược tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với mảng Đông dược đang dẫn đầu thị trường, Traphaco đang tiếp tục mở rộng đầu tư, nghiên cứu, sản xuất mảng thuốc tân dược với các dòng thuốc được công bố tương đương sinh học, thuốc First Generic, sản phẩm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài điều trị các bệnh về tim mạch, dạ dày, gan mật và nhiễm khuẩn. Theo đó, nhà máy sản xuất thuốc tân dược thông minh 4.0 tại Hưng Yên sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn EU-GMP. Traphaco hiện có 3 phòng thử nghiệm R&D đạt tiêu chuẩn GLP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Từ năm 2022 đến nay, Traphaco đã có 10 sản phẩm được Bộ Y tế công bố tương đương sinh học với biệt dược gốc, công tác sản xuất các sản phẩm chuyển giao công nghệ đã bước sang giai đoạn 3 với 6 sản phẩm được tung ra thị trường. Các sản phẩm chuyển giao công nghệ đã được phân phối trên cả hai kênh bán hàng OTC (nhà thuốc) và ETC (đấu thầu vào bệnh viện), đóng góp vào kết quả doanh số sản phẩm mới năm 2023 vượt 19% kế hoạch.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Traphaco đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng. Mục tiêu của Công ty năm 2024 là đạt 2.485 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 303 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 7% và 6% so với năm 2023.

Chính sách về PPP cần được điều chỉnh để gỡ khó và thúc đẩy hiệu quả dự án BOT giao thông

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả

Hiện nay, đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hạ tầng giao thông được Nhà nước quan tâm hơn thông qua nhiều chính sách khuyến khích sự tham gia của nguồn lực xã hội như vốn ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ lên đến 50%, thí điểm tại một số dự án lên tới 70%. Điển hình là Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với tỷ lệ 70% vốn ngân sách nhà nước, giúp tăng tính khả thi tài chính của dự án, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức tín dụng…

Những chính sách quan trọng khác có thể kể đến như cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng…

Đa dạng hóa nguồn thu khi các dự án được đưa vào vận hành cũng là yếu tố giúp nâng cao hiệu quả tài chính và tạo ra giá trị gia tăng cho dự án. Có thể kể đến các dự án kinh doanh trạm dừng nghỉ, dịch vụ quảng cáo… đem lại những lợi ích bổ sung, nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư và cộng đồng.

Để hoạt động đầu tư dự án BOT hạ tầng giao thông hiệu quả hơn nữa, khung pháp lý về PPP cần được ban hành đầy đủ, đồng bộ đồng thời rà soát khó khăn của các dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng. Cụ thể, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cần có tổng kết, đánh giá chính sách thí điểm nâng phần vốn ngân sách nhà nước lên trên 50% tại một số dự án để làm cơ sở sửa đổi Luật PPP áp dụng chung cho các dự án có tính chất tương tự. Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và cơ chế giải ngân vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng cần có hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp để làm căn cứ áp dụng thực tế.

Cần thiết lập cơ chế bảo vệ nhà thầu nhằm bảo đảm sự công bằng và bền vững trong kinh doanh

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Ngành xây dựng có nhiều tiềm năng phát triển, đến từ nguồn lực đầu tư công rất lớn. Dù vậy, cơ hội hiện tại chỉ đang mở rộng cho các doanh nghiệp xây dựng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng hoặc xây dựng các dự án đường cao tốc. Trong khi đó, những công ty với quy mô vốn đầu tư nhỏ và trung bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội và thị trường mới.

Không những vậy, công nợ của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng đang dần mất cân đối và mất kiểm soát. Tình trạng này xảy ra do nhiều doanh nghiệp mua trước vật liệu xây dựng nhưng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn sau khi dự án đã hoàn thành. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đã và đang đề xuất với Chính phủ việc thiết lập các cơ chế bảo vệ nhà thầu nhằm bảo đảm công bằng và bền vững trong hoạt động kinh doanh của ngành xây dựng. Trong đó, rất cần thiết lập một cơ chế ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ngoài ra, đơn giá, định mức Nhà nước ban hành hiện nay đã lạc hậu và gây ra nhiều bất cập, tạo nên tình trạng thị trường hai giá. Do đó, thời gian tới, việc hình thành đơn giá tổng hợp, tương tự như các nước tiên tiến, nhằm giải quyết những hạn chế trên là vô cùng quan trọng.

Tinh giản để hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Phó Chủ tịch Công ty CP Tư vấn & Đầu tư Hanita Master

Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều đã và đang trải qua khó khăn thương trường. Hai yếu tố khó khăn chung nhất là pháp lý dự án bất động sản và tài chính triển khai dự án vẫn chưa có hướng “đột phá” căn cơ nhằm “phá băng” thị trường này. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận định, những thử thách nêu trên là “liều thuốc” hiệu quả chặn lại hội chứng “tay không bắt giặc” của những doanh nghiệp yếu kém, thiếu năng lực tài chính triển khai dự án.

Trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn về mặt tài chính như hiện nay, khi mà sức mua và tỷ lệ hấp thụ sản phẩm bất động sản còn đang rất hạn chế, với tinh thần tự lực, vượt khó để duy trì và phát triển doanh nghiệp, chúng tôi đã không ngừng cải tổ, tái cấu trúc doanh nghiệp theo định hướng tinh giản, hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn trước. Cùng với đó là sự cầu thị và sáng tạo của cả đội ngũ tập thể doanh nghiệp, cùng chung tay nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đến tay người dân.

Thực tế, xét về dài hạn, 3 đạo luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) sẽ góp phần không nhỏ vào hoạt động sàng lọc những doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh địa ốc yếu kém, trả lại sự minh bạch vốn có của ngành nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo định hướng phát triển bền vững, lâu dài, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn và nâng cao tỷ trọng đóng góp vào GDP trong tương lai gần...

Thiên Nam tập trung nâng cao năng lực cốt lõi, đa dạng hóa thị trường để tăng sức cạnh tranh

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội cũng như thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn cơ hội. Chính điều này khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, trong đó có Công ty CP Thang máy Thiên Nam nói riêng gặp không ít khó khăn.

Khó khăn, thách thức là lớn, song với sự nỗ lực không ngừng cùng tinh thần đổi mới sáng tạo của người lao động trong doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự cảm về triển vọng những tháng cuối năm, tôi cho rằng, thị trường kinh doanh chính của Công ty là thang máy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức thể hiện ở một số điểm. Trước hết, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Hiện chỉ có thị trường bất động sản nhà phố và bất động sản công nghiệp tăng nhẹ; còn thị trường bất động sản cao tầng (chung cư, nhà ở xã hội) dù được thúc đẩy nhưng mức độ triển khai thực tế rất thấp. Thứ hai, hoạt động du lịch nhiều địa phương vẫn chưa khởi sắc trở lại (trừ một số địa phương như: TP. Đà Nẵng, TP. Nha Trang…), cũng tác động tới nhu cầu xây dựng. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chưa hết khó do chi phí vận chuyển cũng như thời gian vận chuyển hàng hóa tăng cao… Những yếu tố này tiếp tục tác động trực tiếp đến sức cầu đối với hàng hóa của Công ty.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức trên, hiện Công ty tập trung khai thác một số mảng có thể mang lại đơn hàng như mảng nhà ở với việc đa dạng tối đa sản phẩm thang máy. Nếu như trước đây, sản phẩm của Công ty chỉ thiên về phân khúc khách hàng trung và cao cấp thì nay chúng tôi đang mở rộng thêm đối tượng khách hàng với việc hạ giá bán sản phẩm nhằm duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng mở rộng hoạt động gia công cơ khí (mảng kinh doanh chính của Công ty) với việc tập trung phát triển mảng nội thất để tăng sức cạnh tranh, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập...

Dùng uy tín và chất lượng làm nền móng xây dựng những công trình

Ông Võ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons

Từ khi thành lập vào năm 2003 đến nay, Newtecons luôn giữ vững vị thế tổng thầu xây dựng vững mạnh có tiềm lực kinh tế hàng đầu Việt Nam, tiến tới phát triển thành tập đoàn đa ngành, lấy xây dựng làm lĩnh vực cốt lõi. Chúng tôi dùng uy tín và chất lượng làm nền móng để dựng xây những công trình mang tầm vóc Việt, cam kết đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, đối tác và người lao động, góp phần phát triển cộng đồng bền vững.

Trong quá trình thi công, chúng tôi không ngừng sáng tạo, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất để công trình sau luôn luôn tốt hơn công trình trước. Đồng thời, luôn chủ động cải tiến, đưa ra giải pháp để vận hành công việc một cách hiệu quả, đem đến cho khách hàng những giải pháp thi công vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, tối ưu thời gian và chi phí. Đơn cử, khi tham gia xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Newtecons đã huy động đội ngũ nhân sự là những chuyên gia hàng đầu, làm việc chuyên nghiệp và tràn đầy tâm huyết. Đây cũng là những nhân sự mà chúng tôi đã huy động để tham gia triển khai thành công một loạt siêu dự án trong khu vực cũng như trên thế giới với chất lượng thi công theo chuẩn quốc tế. Việc Newtecons tham gia vào dự án mang tầm cỡ quốc tế như Sân bay Long Thành đã tiếp tục khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp. Bên cạnh đó, với uy tín của mình, Newtecons được nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn lựa khi tìm đến thị trường Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư