Tăng cường đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 8 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hoạt động của DN cũng không ít trở ngại. Bởi vậy, yêu cầu đồng hành tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, góp phần nâng cao sức mạnh nội sinh nền kinh tế
Trong 8 tháng năm 2024, cả nước có 168.076 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Trong 8 tháng năm 2024, cả nước có 168.076 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Bổ sung hơn 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Thông tin về tình hình đăng ký DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 tháng, cả nước có 168.076 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó, có 110.764 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2024 là 2,014 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 994.686 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 8 tháng, có 8/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có: vận tải, kho bãi; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; sản xuất, phân phối, điện, nước, gas; kinh doanh bất động sản…

Cũng trong 8 tháng, có 57.312 DN quay trở lại hoạt động, chủ yếu thuộc các ngành nghề như: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận xét, tình hình đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường những tháng gần đây đã có sự đảo chiều tích cực. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã phục hồi. Sức cầu của thị trường cũng gia tăng. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng tích cực được triển khai… Những yếu tố này khiến chỉ số niềm tin kinh doanh của DN tăng lên.

Ông Bắc chia sẻ, trong 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh tăng trên 10%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 3,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước...

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2024 vừa được Cục Thống kê TP.HCM cập nhật cũng cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn Thành phố có sự phục hồi mạnh mẽ với IIP tăng 8,5%, số DN thành lập mới tăng 6,5%...

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Bên cạnh điểm sáng về tình hình đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, thách thức đã buộc nhiều DN phải dừng hoạt động. Trong 8 tháng cả nước có 135.267 DN rút lui khỏi thị trường, phần lớn là tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (82.826 DN), trong đó, tháng 8/2024 có 12.421 DN.

Nhiều ngành kinh tế có số lượng DN thành lập mới giảm (9/17 ngành) như: khai khoáng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; khoa học, công nghệ; xây dựng…

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại; DN vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính; nền tảng thể chế, tư duy xây dựng pháp luật chưa theo kịp thực tiễn nên chưa huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực, cơ hội cho phát triển.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm cũng như thời gian tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là phải tăng cường đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN, của nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho DN; hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng yêu cầu mới…

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ DN. Trong xây dựng pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi, nhất là các đối tượng chịu tác động; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý…

Đề xuất thêm, TS. Nguyễn Phương Bắc cho rằng, cần đánh giá chính xác về nguyên nhân khiến DN phải rút lui khỏi thị trường. Theo ông Bắc, DN mới thành lập mà phải rút lui khỏi thị trường sẽ khác với việc DN đang sản xuất kinh doanh nhiều năm nhưng nay phải đóng cửa. Do đó, cơ quan chức năng cần có những đánh giá chi tiết hơn để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư