Tăng chi phí đầu vào, triển vọng nào cho ngành xi măng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 3 phiên giao dịch ngày 10/3, 11/3 và 14/3, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp ngành xi măng bất ngờ tăng mạnh bất chấp sự sụt giảm của chỉ số VNIndex.
Sau năm 2021 kinh doanh không mấy khả quan, doanh nghiệp xi măng được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Ảnh: Lê Lê
Sau năm 2021 kinh doanh không mấy khả quan, doanh nghiệp xi măng được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Ảnh: Lê Lê

Đơn cử, cổ phiếu BTS của Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn tăng 21,67%, cổ phiếu HT1 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên tăng 11,01%, cổ phiếu BCC của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tăng 14,72%… Diễn biến tích cực này phản ánh kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước. Tuy nhiên, ngành xi măng được dự báo đối diện rủi ro từ chi phí đầu vào tăng cao.

Năm 2021 có thể nói là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành xi măng dưới tác động của dịch Covid-19. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm đáng kể do sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí mua than tăng cao. Đơn cử như Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 32% so với năm 2020, đạt 111 tỷ đồng dù doanh thu tăng 0,7% lên 4.330 tỷ đồng. Áp lực chi phí đầu vào khiến biên lợi nhuận gộp của Xi măng Bỉm Sơn trong năm 2021 đạt 11,2% so với con số 12,5% năm 2020. Hay Xi măng Vicem Hà Tiên ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 giảm gần 40% còn 461,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 12,3% so với mức 17% năm 2020.

Đối với Vicem Bút Sơn, doanh thu bán xi măng của Công ty năm 2021 giảm 5,8% so với năm trước đó, đạt 2.547 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tăng bán clinker và các sản phẩm khác, đồng thời giảm chi phí, Vicem Bút Sơn vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,6 lần năm 2020.

Sau năm 2021 kinh doanh không mấy khả quan, doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Trên thị trường chứng khoán, trong 3 phiên giao dịch ngày 10/3, 11/3 và 14/3 đã chứng kiến nhiều cổ phiếu xi măng tăng mạnh bất chấp sự sụt giảm của thị trường.

Diễn biến tích cực này có được trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công một loạt dự án trọng điểm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 46.300 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, việc hàng loạt dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới.

Báo cáo của VNDirect cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa tăng thêm từ các dự án đầu tư công trong năm 2022 - 2023 sẽ bù đắp phần nào những lo ngại về sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu do sự suy giảm đáng kể của thị trường bất động sản, thi công hạ tầng giao thông tại Trung Quốc và Chính phủ sẽ tăng mức thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% kể từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ được dự báo tăng trong năm 2022 nhưng ngành xi măng đang phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trở lại, nhưng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn do cạnh tranh khốc liệt khi cung vượt cầu, cộng thêm áp lực từ tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào.

Trước xung đột Nga - Ukraine, giá than trên thị trường thế giới đã tăng mạnh từ cuối tháng 2/2022, có lúc đạt 446 USD/tấn, trong khi đầu năm 2022 giá chào bán chỉ là 175 USD/tấn. Hiện giá than đang được giao dịch ở mức hơn 350 USD/tấn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Trưởng phòng Kế hoạch thị trường thuộc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết, đến thời điểm này, Công ty chưa điều chỉnh giá bán xi măng nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phải tính toán cẩn trọng khi chi phí đầu vào tăng cao. Hiện tại, than cho các nhà máy sản xuất xi măng đã tăng giá, chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao. “Nếu chi phí sản xuất tiếp tục leo thang quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán”, đại diện Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho hay.

Chuyên đề