Trong năm 2017, các công ty chứng khoán đã tự tiến hành tái cấu trúc, thông qua các biện pháp như: thâu tóm sáp nhập (M&A) hay chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông mới. |
Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong năm 2017 đã giúp cho công cuộc tái cấu trúc công ty chứng khoán trong năm 2017 diễn ra thuận lợi hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, công tác tái cấu trúc công ty chứng khoán, đặc biệt là khâu quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cũng như quy mô của hệ thống công ty chứng khoán.
Giám sát và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm
Ngày 24/12/2017, Công ty chứng khoán Công nghiệp Việt Nam (ISC) nhận quyết định đình chỉ hoạt động trong 3 tháng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một mức phạt nặng nhất đối với công ty chứng khoán sai phạm và gần như là bước cuối cùng trước khi bị nhà quản lý thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không khắc phục được tình trạng. Kèm theo đó, ISC cũng nhận trát phạt bằng tiền 580 triệu đồng do mắc một loạt các sai phạm.
Theo thông báo, ISC bị phạt 70 triệu đồng do không thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ; chịu mức phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán; chịu mức phạt 50 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; chịu mức phạt 250 triệu đồng vì lạm dụng, chiếm dụng tiền thuộc sở hữu của khách hàng.
Cụ thể, Công ty đã sử dụng tiền trên tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư để đầu tư tự doanh cổ phiếu CTCP Gemadept; lập 12 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng tại các Ngân hàng: Techcombank, OCB, PVCombank.
Với lỗi vi phạm đặc biệt trên, ngoài mức phạt tiền, ISC còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 28/12/2017.
Trước đó, ngày 13/11, Công ty Chứng khoán Đông Dương cũng nhận trát phạt tương tự, đình chỉ toàn bộ hoạt động do không duy trì các điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 70 Luật Chứng khoán. Thời hạn đình chỉ đối với Chứng khoán Đông Dương dài hơn so với ISC, 6 tháng kể từ ngày 13/12/2017.
Trong thời gian bị đình chỉ, Công ty Chứng khoán Đông Dương không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động.
Nỗ lực để hồi phục
Diễn biến thuận lợi của nền kinh tế đang có tác động tích cực và mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện qua chỉ số chứng khoán tăng mạnh, vốn hóa thị trường... Đi cùng với đó là những tín hiệu khả quan trong hoạt động của các thành viên thị trường.
Sự khởi sắc của khối công ty chứng khoán còn được thể hiện qua doanh thu tăng mạnh trên tất cả các mảng hoạt động cũng như chất lượng hoạt động của các công ty này được cải thiện đáng kể. Nhiều công ty đã có lợi nhuận, thậm chí bù đắp cho cả những khoảng lỗ luỹ kế để lại của nhiều năm trước đó.
Không chỉ hiệu quả kinh doanh tăng trưởng tốt, trong năm qua, chất lượng các mặt hoạt động của công ty chứng khoán cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, không có công ty chứng khoán nào bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nợ tiền thanh toán VSD.
"Điều này không chỉ phản ánh năng lực tài chính của các công ty chứng khoán đã tăng lên, mà còn cho thấy khâu quản trị rủi ro, vận hành của các công ty đã có tiến bộ rõ rệt so với giai đoạn trước. Đa số các công ty chứng khoán sau khi phải trả giá về những thiếu sót nghiệp vụ giai đoạn trước đã tự rút kinh nghiệm và tự cải tiến, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy trình, hệ thống kiểm soát rủi ro", Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn đánh giá.
Trong đó, đáng chú ý là có nhiều cổ đông nước ngoài mới là các tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn, có uy tín trên thế giới và trong khu vực tham gia sở hữu trên 51% vốn của các công ty chứng khoán Việt Nam.
Một số công ty chứng khoán đã lập bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận quản trị rủi ro và xây dựng chính sách quản trị rủi ro theo quy định. Một số công ty chứng khoán định hình rõ ràng định hướng phát triển theo hướng chuyên doanh góp phần đa dạng hóa hoạt động của hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam.
Tất cả những động thái này cho thấy công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán đang ngày càng được chú trọng và nâng cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không quên nhắc nhở cần khắc phục những hạn chế trong hoạt động của các công ty chứng khoán, vốn đã tồn tại qua nhiều năm như: lỗ lũy kế.
Trên thực tế, hơn 50% số lượng công ty vẫn có lỗ lũy kế đến 30-6, trong đó vẫn còn những công ty có lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50%. Hiện nay, đa phần các công ty chứng khoán vẫn đang tiếp tục khắc phục các khoản thua lỗ những năm trước đây.
Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhất về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các công ty chứng khoán trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực về vốn cũng như quản trị rủi ro, quản trị công ty và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của công ty chứng khoán.
Ngoài ra, với những đề xuất mới trong Luật Chứng khoán dự kiến trình Quốc hội trong năm 2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ cùng với các công ty chứng khoán hình thành được một hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu về cạnh tranh và tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình phát triển thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Tính đến 30/9/2017, 59/79 công ty kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận là 4.405 tỷ đồng. Hiện chỉ còn 43 công ty chứng khoán có lỗ lũy kế. So với cùng kỳ năm 2016, kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán đã tăng tới 87,5%.
Với sự hồi phục của thị trường, tình hình tài chính của các công ty chứng khoán cũng nhờ thế mà dần được cải thiện. Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: phần lớn các công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính lớn hơn 180% (hiện chỉ có 2 công ty chứng khoán có tỷ lệ dưới 180%).