Tăng áp lực cải cách từ trên xuống

(BĐT) - Nghị quyết (NQ) số 19-2018/NQ-CP vừa ban hành được kỳ vọng sẽ làm tăng áp lực lớn cho các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa.
Mục tiêu của Nghị quyết 19-2018/NQ-CP là kết nối một cổng quốc gia về thủ tục thông quan, hoàn toàn thông quan điện tử, bỏ các hồ sơ bằng giấy. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu của Nghị quyết 19-2018/NQ-CP là kết nối một cổng quốc gia về thủ tục thông quan, hoàn toàn thông quan điện tử, bỏ các hồ sơ bằng giấy. Ảnh: Lê Tiên

Dịch vụ công phải đạt mức độ 4 hoàn toàn

Chia sẻ tinh thần mới của NQ số 19-2018/NQ-CP, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, một trong những điểm trọng tâm là bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh với mục tiêu là hoàn thành việc bãi bỏ hơn một nửa điều kiện kinh doanh. Mục tiêu này tưởng dễ dàng nhưng qua thực hiện cho thấy là rất khó. Nay đã gần bước sang tháng 6, nhưng chỉ mới có Bộ Công Thương bãi bỏ 600 điều kiện kinh doanh. Các bộ đang xếp hàng trình Chính phủ các nghị định. Tốc độ tương đối chậm. Còn về nội dung, liệu các bộ có thực sự bãi bỏ không, hay chỉ là hình thức, vẫn là vấn đề đáng bàn. Do đó, Chính phủ tiếp tục tạo áp lực lớn cho các bộ trưởng, đặc biệt là về mặt thời gian.

Trọng tâm thứ hai là thuận lợi hóa thương mại, quản lý các hoạt động chuyên ngành xuất nhập khẩu. Nền kinh tế chúng ta đang mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt hơn 400 tỷ USD. Nếu tạo thuận lợi thương mại sẽ giảm được chi phí rất lớn. 

Mục tiêu của NQ lần này là phải giảm được tỷ lệ kiểm tra trước thông quan từ 30% xuống còn 10%. Theo ông Cung, đây là tham vọng rất lớn. Để làm được điều đó thì phải cắt bỏ đi hơn một nửa danh mục hàng hóa, chứ không phải là nhóm hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu.

Tiếp đó là kết nối được một cổng quốc gia về thủ tục thông quan. Hiện số được kết nối rất ít so với thủ tục đang làm, không đầy 20%, nhưng kết nối một cách thực chất chỉ có một thủ tục, đó là khai báo hóa chất. Còn lại tưởng rằng đã kết nối, nhưng lại vừa làm điện tử, vừa làm thủ công trên giấy. Như vậy, thay vì giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) thì lại tăng thêm chi phí cho họ, vì vừa phải làm cái này, vừa phải tuân thủ cái kia.

Dường như, các cơ quan nhà nước đang ngập ngừng trong việc triển khai thực hiện cải cách lĩnh vực này. Chừng nào vẫn còn dở dang ở mức độ 3 và 4 như hiện nay thì không có áp lực để cải cách. Do đó, lần này bắt buộc phải kết nối dịch vụ công ở mức độ 4, nghĩa là hoàn toàn thông quan điện tử, bỏ các hồ sơ bằng giấy. Có ép buộc như vậy mới hy vọng cải cách thực chất. Cần phải điện tử hóa, số hóa các thủ tục hành chính, dịch vụ công nói chung và quản lý chấp hành nói riêng. 

“Đốt nóng” bộ phận trung gian

Đối với việc thực thi, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, NQ số 19-2018/NQ-CP đặc biệt nhấn mạnh tới các địa phương. Nếu như ở các NQ trước, đối tượng này được đề cập khá mờ nhạt, thì lần này đã có những chỉ dẫn tốt hơn cho các địa phương để gắn việc thực hiện NQ với việc thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó, thúc đẩy đánh giá năng lực cạnh tranh đến các cấp quận/huyện, sở, ban, ngành. Hy vọng, với cách làm đó, trên nóng, giữa ấm, chứ không phải là “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như Thủ tướng từng chỉ trích. Và NQ sẽ tạo ra một công cụ “đốt nóng” từ trên xuống dưới, đặc biệt là bộ phận trung gian.

Cùng với áp lực hành chính mạnh mẽ này, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, vai trò của cơ quan giám sát độc lập, DN và báo chí ngày càng quan trọng hơn, tạo sức ép cho các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải luôn luôn “nóng”, từ đó người đứng đầu phải thúc đẩy xuống các cấp dưới, làm “nóng” cả hệ thống.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, liên tiếp trong 13 năm qua, VCCI đã thực hiện điều tra và công bố chỉ số PCI cấp tỉnh. Điều quan trọng nhất không phải là xếp hạng, mà là tạo sự lan tỏa về cải thiện môi trường kinh doanh, nhân rộng các mô hình, cách làm tốt giữa các địa phương. “Chỉ riêng việc học tập mô hình thành công của địa phương khác thì đã là tốt lắm rồi. Báo cáo PCI hàng năm còn chỉ ra các dư địa cải cách còn lại, cho thấy những lĩnh vực yếu kém nào địa phương cần tập trung giải quyết, cải thiện trong các năm tới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Hiện nay đã phân cấp mạnh đến các địa phương, nhưng theo ông Lộc, DN vẫn phản ánh có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, chủ trương thì đúng nhưng thực hiện chưa đạt yêu cầu. Để tạo áp lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa, không dừng lại ở việc đánh giá PCI cấp tỉnh, VCCI sẽ tiếp tục triển khai một bộ công cụ DCI để các DN đánh giá chất lượng thi hành công vụ, chất lượng điều hành ở cấp quận/huyện, sở, ban, ngành. Mục tiêu là để đẩy áp lực cải cách từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, sở, ban, ngành. Trong tương lai, áp lực này cần phải đẩy xuống cấp phòng, cấp xã, phường và từng công chức.

“Có lẽ, nếu không làm hoặc không đạt kết quả, thì không nên kiểm điểm hay tranh cãi nhiều, mà thay người khác. Có như vậy mới tạo động lực cải cách tốt hơn ở khâu giữa là cục, vụ, sở - đây đang là điểm nghẽn trong việc thực thi NQ 19 hiện nay”, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Chuyên đề