Tận dụng mọi cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0

(BĐT) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới ngày nay từ phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ, sản xuất kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp... 
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới và là cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới và là cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá

CMCN 4.0 được xem là động lực mới cho cải cách phát triển, mang tính đột phá, là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên về phát triển công nghệ và kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi Họp báo giới thiệu Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chương trình dự kiến diễn ra trong vòng 7 ngày, từ 18 - 24/8/2018 với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, CMCN 4.0 được coi là cơ hội cho đột phá phát triển, tranh thủ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đây là thách thức rất lớn. Do đó, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, dù là nhỏ nhất. Chúng ta đang là một nước đi sau, có rất nhiều thách thức, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội, rút kinh nghiệm của các nước đi trước. Chủ trương của Đảng và Chính phủ đã thể hiện rất rõ điều này.

Để thực hiện chủ trương đó, Bộ KH&ĐT đưa ra sáng kiến tổ chức Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam với sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sáng kiến này nhằm thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT là xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, nghiên cứu Đề án thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia” và xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Việt Nam có tới 4 triệu người làm việc và sinh sống tại nước ngoài, trong đó có tới 400.000 người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là lực lượng hùng hậu, được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, đang làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, công nghiệp chế tạo, ứng dụng tự động hóa, robotics..., đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng. Nhiều người trong số đó đã có những thành tích được ghi nhận và có tên tuổi trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chưa tận dụng được hết nguồn lực lớn này, điều này là rất lãng phí. Trong khi đó, qua tiếp xúc cho thấy, nhiều bạn trẻ thành đạt đang hừng hực khí thế, mong muốn được cống hiến cho quê hương, đất nước.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 100 chuyên gia trẻ tiêu biểu sẽ có buổi gặp gỡ với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để nắm bắt được quan điểm, tầm nhìn, cũng như nhu cầu của Việt Nam đối với việc phát triển khoa học công nghệ.

Các chuyên gia trẻ này sẽ được kết nối, thảo luận trực tiếp với 4 bộ (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước) và 3 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh), cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam. Họ cũng sẽ làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (Viettel, VNPT, CMC, FPT...).

Nằm trong khuôn khổ Chương trình còn có 4 hội thảo chuyên đề về chuyển đổi công nghệ, thương mại điện tử, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo - AI, Fintech, thanh toán điện tử...

Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, chương trình này chỉ là bước khởi đầu. Sau đó, thông qua việc kết nối thành công với 100 chuyên gia trẻ tiêu biểu này, mạng lưới sẽ nhân rộng ra với cộng đồng người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thậm chí kết nối với các nhà khoa học quốc tế để tập hợp nguồn nhân lực lớn cho phát triển đất nước, chứ không chỉ giới hạn riêng là người Việt.

Chuyên đề