Tận dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM muốn đẩy mạnh loạt dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM khai mạc ngày 19/9/2023 được đánh giá có số lượng dự án cần xem xét thông qua chủ trương đầu tư rất lớn. Các dự án ở nhiều lĩnh vực như giao thông, hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế… đang được Thành phố chuẩn bị tốt nhất từ các lợi thế của Nghị quyết về chính sách đặc thù.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

85 dự án quy mô hơn 55.000 tỷ đồng

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua gần 100 tờ trình với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực hơn 3 tháng.

“HĐND sẽ thảo luận, xem xét và chấp nhận thông qua chủ trương đầu tư cho 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng do UBND Thành phố trình. Trong số này, có 7 dự án nhóm A, nhiều dự án lần đầu được Thành phố áp dụng mô hình PPP trên tuyến hiện hữu”, bà Lệ cho biết.

Theo danh mục các dự án trình phê duyệt tại kỳ họp này, TP.HCM dành nhiều ưu tiên cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế. Cụ thể, có hơn 20 dự án đầu tư xây dựng trường học các cấp. Thành phố dự kiến đầu tư cho các trường: Trường THPT Trưng Vương (chi phí 95 tỷ đồng); Trường THPT Võ Trường Toản (175 tỷ đồng); Trường THPT Hùng Vương (300 tỷ đồng); Trường THCS Nguyễn Huệ (85 tỷ đồng)…

Tại quận Gò Vấp, Dự án Đầu tư xây dựng trường Tiểu học Phường 14 (tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng) sẽ giúp giảm tải cho 2 trường Tiểu học Lam Sơn (mật độ 47 học sinh/lớp) và Tiểu học Lê Quý Đôn (48 học sinh/lớp). Các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng trường học sắp tới được TP.HCM ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt giảm thiểu tình trạng thiếu trường, thiếu phòng, sỹ số học sinh quá đông.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, nhiều dự án thuộc lĩnh vực y tế của Thành phố sẽ được ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn tới. Theo đó, Thành phố đầu tư 450 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Đông y, Đông dược; 699 tỷ đồng để xây dựng Ngân hàng Máu (thuộc Bệnh viện Huyết học và truyền máu). Đặc biệt, có 3 bệnh viện đa khoa khu vực đang trong giai đoạn hoàn thiện khâu xây dựng, Thành phố sẽ huy động kinh phí để đồng bộ hệ thống trang thiết bị y tế. Cụ thể, 1.450 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; 1.365 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; 1.491 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Áp lực giải ngân đầu tư công

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, kinh tế Thành phố đã có những chuyển biến tích cực. 8 tháng đầu năm 2023, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 11,3%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch đề ra (63,45% dự toán, đạt 93,24% so với cùng kỳ); tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp (29%)...

Theo TS. Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, năm 2023, Thành phố quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Như vậy, áp lực đè nặng lên công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án đã và đang triển khai rất lớn. Do đó, Thành phố phải quyết liệt cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để triển khai các dự án mới phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

Để việc triển khai các dự án đầu tư công của Thành phố thực sự hiệu quả, đặc biệt tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù, theo bà Nguyễn Thị Lệ, tất cả nội dung của Nghị quyết số 98 cần phải được cụ thể hóa, thể chế hóa phải hoàn thành trong năm.

“Chúng ta cần xác định những chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Công tác chuẩn bị dự án cần được cải thiện, tránh nhất việc dự án phải điều chỉnh, gia hạn, chậm tiến độ vì các yếu tố chủ quan. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết liệt của các chủ đầu tư, cơ quan được giao chuẩn bị dự án. Dự án cấp thiết, nhưng không vì vậy mà vội vàng, sơ sài dẫn tới nhiều hệ lụy, cụ thể là chậm giải ngân vốn đầu tư công làm ảnh hưởng xấu đến nguồn lực của Thành phố, không phát huy hiệu quả các chính sách đặc thù mà Thành phố được áp dụng”, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết.

Chuyên đề