Tầm nhìn xa về rừng của “người đàn bà sữa”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần đây, tại các diễn đàn lớn góp ý cho các nghị quyết về phát triển kinh tế của Đảng có tiếng nói tâm huyết của một nữ doanh nhân lên tiếng bảo vệ rừng, hiến kế làm kinh tế dưới tán rừng. Người doanh nhân ấy đang thực sự bắt tay vào triển khai những ý tưởng đẹp, đầy khát vọng…
Bà Thái Hương đi thực tế dự án dược liệu TH Herbal tại Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An)
Bà Thái Hương đi thực tế dự án dược liệu TH Herbal tại Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Điều khiến các diễn giả hàng đầu về kinh tế ở Việt Nam ngạc nhiên là nữ doanh nhân - Anh hùng lao động Thái Hương vốn nổi tiếng trong ngành tài chính, thành công vang dội trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tươi sạch, đồ uống, thực phẩm, nhưng khi bà nói về rừng, về kinh tế dưới tán rừng, tư vấn cho các dự án thảo dược, dược liệu, nghỉ dưỡng - sinh thái, rất nhiều chuyên gia thán phục tầm nhìn chiến lược và những hành động quyết liệt của bà.

Tiếng nói giữ rừng

Ngày 19/11, tại Hội nghị đóng góp phát triển vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết 23 diễn ra tại Lâm Đồng, Anh hùng lao động Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khiến cử tọa ngỡ ngàng khi chia sẻ: “Tôi bước chân vào Tây Nguyên từ sớm, sau khi tôi sáng lập Tập đoàn TH đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao năm 2008. Riêng tại Kon Tum, TH mới bắt đầu từ cách đây 2 năm nhưng đến giờ đã trồng được 500 ha sầu riêng giống mới và đang lập đề án phát triển kinh tế dưới tán rừng ở tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên trên cơ sở đi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức”.

Ngay trong khuôn khổ sự kiện, TH đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác với tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng trong 5 lĩnh vực lớn: chăn nuôi đại gia súc (bò sữa), khai thác nước ngầm (sản xuất nước tinh khiết), trồng rừng, khai khoáng, logistics. Trên đất Tây Nguyên, TH cũng đang vận hành dự án bò sữa và một số dự án lâm nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng.

Suốt hàng chục năm, doanh nhân Thái Hương đã đi thực tế ở nhiều vùng đất Tây Nguyên. Bà đau đáu vì vùng đất này đang mất rừng: “Có nhiều khu vực xưa kia là rừng, hàng chục năm trước người dân đã chặt phá, rồi lũ lụt cuốn trôi hết, chẳng còn rừng nữa. Khi chúng tôi làm đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn không dám đưa ra quyết định, dù đó là khu vực người dân đã canh tác hàng chục năm rồi với lý do đó vẫn là đất rừng, không được động chạm đến”.

Bà trăn trở: “Nếu không có biện pháp để giữ rừng thực sự, chống xói mòn, chống lũ lụt, Tây Nguyên sẽ mất tất cả. Đứng trước biến đổi khí hậu và mực nước biển hàng năm tăng dần thì đó là chỗ dựa ngàn đời của con cháu sau này”. Chính vì vậy, bà bày tỏ mong muốn Chính phủ có nguồn kinh phí cùng với các địa phương lập lại bản đồ hiện trạng đất đai Tây Nguyên, từ đó có cách ứng xử. Phải có doanh nghiệp có tâm, tầm sử dụng nguồn tài nguyên đất này và đưa nông dân địa phương vào chuỗi mắt xích làm kinh tế dưới tán rừng.

Đăng đàn góp ý, bà Thái Hương chỉ ra, có thể phát triển rất nhiều thứ ở Tây Nguyên, nhưng phải có được mô hình sản xuất lớn và tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, sản xuất theo chuẩn quốc tế, phải sử dụng công nghệ cao, hướng tới kinh tế xanh, mang hàm lượng chất xám nhiều. “Thế giới đã có rất nhiều thành tựu công nghệ, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chúng ta thừa hưởng những thành quả này để tạo ra năng suất lao động, chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế”, bà Hương bày tỏ.

Xuất phát từ nhận thức bảo vệ rừng, phát triển và trồng dược liệu là bảo vệ nguồn sống con người, nhà sáng lập của TH từng chia sẻ, bà đã ấp ủ con đường thảo dược, con đường sức khỏe ngay cả trước khi con đường sữa được hình thành.

Dùng thảo dược Việt bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt

Vừa qua, tại Hội thảo khoa học phục vụ tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, góp ý cho tỉnh Nghệ An về điều kiện để thu hút được nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn, chiến lược, câu chuyện giữ rừng và trồng thảo dược tiếp tục được bà Thái Hương nhấn mạnh. Theo bà, Nghệ An có tỷ lệ rừng rất lớn, trong rừng đặc dụng có thể cho người dân hái lượm tự nhiên ở dưới tán rừng. Còn rừng sản xuất và rừng phòng hộ thì những chỗ trống đều trồng được theo hướng đa tầng các loại cây ăn quả và thảo dược, hương liệu và gia vị.

TH đã và đang hiện thực hóa điều này tại khu vực “thủ phủ thảo dược của Bắc miền Trung” là Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An). Gây dựng trung tâm bảo tồn thảo dược, dược liệu ở đây gần chục năm, TH đang cùng người dân khai thác tự nhiên, bảo tồn - nhân giống và sản xuất thảo dược đặc hữu. Trên những triền đồi đã hồi sinh, trải dài trên các thảo nguyên xanh hay dưới những tán rừng trong lành, TH đang thực hiện chiến lược của con đường thảo dược. Hiện Tập đoàn đã bảo tồn và canh tác gấc, lạc tiên, rau má, sâm bạch quả, đương quy, lan gấm, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, tam thất, hoàng linh chi, sâm Puxailaileng... Tất cả đều là các loài thảo dược quý, hiếm, nhiều loài đặc hữu không nơi nào trên thế giới có được, nhưng nếu không được nghiên cứu, bảo tồn thì có nguy cơ biến mất vĩnh viễn khỏi thảm thực vật bản địa.

Là doanh nhân bận rộn nhưng bà vẫn đi cả ngày đường để lên tới rừng, tới bản, tìm tòi từ thực tế đưa ra những quyết sách phát triển thảo dược và tìm phương án trồng lâm nghiệp đa tầng. Cuối tháng 11/2022, trong cuộc họp với già làng, trưởng bản, vừa vận động bà con cùng bảo tồn, phát triển thảo dược, bà Thái Hương vừa đưa ra ý tưởng làm đẹp vùng đất Mường Lống để thu hút khách du lịch. Bà hình dung dưới mỗi nếp nhà nơi đây sẽ có những cây trà hoa vàng (một loại trà thảo dược có giá trị lớn) và những cây mai, cây đào, vừa tạo cảnh quan, vừa mang giá trị khai thác.

Bà kể câu chuyện này một cách tự nhiên: “Tôi lên họp với già làng, trưởng bản trên đó (Mường Lống), họ đã thống nhất với tôi cách làm, vì không ai làm nông nghiệp giỏi hơn người nông dân, khoa học kỹ thuật chỉ là hỗ trợ để tăng năng suất và chi phí giá thành hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất. Như vậy, với miền Tây Nghệ An phải phát triển thảo dược, cây ăn trái và nghỉ dưỡng, dưỡng lão”.

Với các loại thảo dược, theo định hướng của bà, TH sẽ nghiên cứu để phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm - đồ uống, thuốc - thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Hiện, TH đã phát triển các dòng sản phẩm trà thảo dược túi lọc TH true Herbal, viên nang gấc cùng một số thảo dược sơ chế khác. Tất cả đều là nguyên liệu tự nhiên, trồng trong sinh cảnh tự nhiên để đảm bảo các yếu tố về dược chất, chất lượng sản phẩm, thể hiện ý chí của bà: “đưa những sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe tới người tiêu dùng Việt”.

Tuy nhiên, tiến trình này cũng nhiều khó khăn, chông gai. Như ở Mường Lống, TH Herbal đang nhân giống một số thảo dược quý như cây sâm 7 lá 1 hoa, lan thạch hộc tía… Nhiều loại phải gây giống, trồng 5 năm mới thành công. Nhưng khi cây mới nhú, các loại thiên địch tự nhiên (chồn, sóc…) ăn mất cây giống, cán bộ nhân viên TH lại phải nghĩ cách để bảo vệ. Và người nữ anh hùng cũng trăn trở để tìm giải pháp.

Bà hiểu rằng, đó là một con đường dài, cần sự tiếp nối qua nhiều thế hệ và sự kiên tâm, quyết liệt để có thể đi tới thành tựu, không chỉ giúp đời, giúp người, mà còn giúp thảo dược Việt tỏa sáng và cất cánh trên bản đồ thế giới. Giờ đây, con đường của bà đã được chia sẻ, sẽ được tiếp sức bằng những nghị quyết đúng đắn mà bà đã tâm huyết đóng góp.

Chuyên đề