Tại sao nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu?

Không ít người đặt câu hỏi tại sao các nhà thầu Trung Quốc luôn bị nghi ngờ về năng lực nhưng lại luôn thắng thầu trong các dự án xây lắp lớn tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều người Việt Nam đang có tâm lý nghi ngờ về chất lượng, uy tín và tiến độ của các công trình do các nhà thầu Trung Quốc thi công. Sự nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi một loạt các dự án xây lắp do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu hoặc thầu thi công đều gặp vấn đề.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phongnhận định, việc các chủ đầu tư Trung Quốc trúng thầu gây ra sự cố, các dòng hàng Trung Quốc đều có vấn đề liên quan đến sức khỏe, chất lượng... đã tạo ra định kiến xã hội.

“Chúng ta không nên trách người dân và không thể cấm người dân. Nhưng nếu cổ súy hoặc định kiến quả mức sẽ gây hậu quả về mặt kinh tế. Các nhà thầu quốc tế đều thực hiện trên hợp đồng, theo điều khoản cam kết cũng như xử lý các vấn đề phát sinh. Những trường hợp đội giá, chất lượng thấp, chậm đều là do những kẽ hở của hợp đồng liên quan tới việc thiếu trách nhiệm xử lý tranh chấp từ phía Việt Nam” - ông Phong chỉ ra điểm yếu của các chủ đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong không phủ nhận rằng nếu tình trạng này xảy ra nhiều lần thì đây có thể là “bài” của các nhà thầu Trung Quốc khi họ đặt giá rẻ để thắng thầu rồi gây áp lực trong quá trình thi công.

Đề cập tới giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong đề nghị phải siết chặt điều kiện trong việc đặt thầu và thắng thầu, cũng như giám định, bảo hành sau thắng thầu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đặt ra biện pháp ngăn chặn từ xa, phòng ngừa trường hợp người đặt thầu Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc liên kết để tạo ra lợi ích nhóm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, người Việt Nam không nên có tâm lý nghi kỵ, thù địch quá mức với doanh nghiệp Trung Quốc: “Chúng ta cần công khai để tạo ra sự giám sát và phải làm thật nghiêm. Từ đó, các nhà thầu Trung Quốc sẽ cải thiện dần để rồi hai bên có những sự hợp tác hiệu quả hơn không chỉ về mặt kinh tế”.

 

Chuyên đề