Tại sao lạm phát vẫn chưa thể bị "đánh gục"?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Wall Street Journal (WSJ), trong suốt một năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã "chạy đua" tăng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng có để hạ nhiệt lạm phát, song những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Nền kinh tế hầu như vẫn tăng trưởng vững chắc và áp lực giá ở các quốc gia phát triển vẫn lớn dù lãi suất đã cao hơn đáng kể.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại sao tăng trưởng và lạm phát không chậm lại hơn nữa? Phần lớn lời giải nằm ở những tác động kỳ lạ của đại dịch Covid-19 và khoảng thời gian cần thiết để chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương phát huy tác dụng.

Tác động bất thường của đại dịch Covid-19

Theo WSJ, đầu tiên, bản chất bất thường của cuộc suy thoái năm 2020 do đại dịch gây ra và cuộc phục hồi sau đó đã làm giảm tác động thông thường của việc tăng lãi suất.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, chính phủ Mỹ cùng các quốc gia khác đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD cho các hộ gia đình - vốn cũng đang tiết kiệm tiền khi đại dịch làm gián đoạn hoạt động chi tiêu bình thường của họ. Trong khi đó, lãi suất siêu thấp của các ngân hàng trung ương vẫn cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng đi vay với lãi suất thấp.

Trong những tháng gần đây, các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay. Nhiều gia đình sử dụng nguồn tiền tiết kiệm của mình và khoản tiền này còn được bổ sung bởi tăng trưởng thu nhập tốt. Các doanh nghiệp cũng tiếp tục tuyển dụng trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động từ thời đại dịch vẫn tiếp diễn và lợi nhuận khả quan hơn.

"Có rất nhiều yếu tố liên quan đến đại dịch đang cản trở chu kỳ thắt chặt lãi suất này", Thomas Barkin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - Chi nhánh Richmond nhận xét.

WSJ đưa ra dẫn chứng về 2 ngành nhạy cảm với lãi suất là ô tô và xây dựng. Tình trạng thiếu chip bán dẫn trong đại dịch đã hạn chế nguồn cung xe hơi, khiến người mua sẵn sàng trả giá cao hơn. Dù hoạt động xây dựng nhà ở cho một gia đình tại Mỹ đã đi xuống vào năm ngoái, việc làm trong lĩnh vực này đã tăng trong 12 tháng qua. Những nút thắt trong chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ đại dịch, là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Thông thường, việc Fed tăng lãi suất sẽ buộc những người tiêu dùng và doanh nghiệp nặng nợ phải hạn chế chi tiêu để tập trung trả nợ. Song, người tiêu dùng Mỹ không vay mượn quá tay trong hai năm qua. Các khoản thanh toán nợ chỉ chiếm khoảng 9,6% thu nhập khả dụng của các hộ gia đình trong quý đầu năm nay, dưới mức thấp nhất được ghi nhận từ năm 1980 đến khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020.

Dù hoạt động xây dựng nhà ở cho một gia đình tại Mỹ đã đi xuống vào năm ngoái, việc làm trong lĩnh vực này đã tăng trong 12 tháng qua. Ảnh: Internet

Dù hoạt động xây dựng nhà ở cho một gia đình tại Mỹ đã đi xuống vào năm ngoái, việc làm trong lĩnh vực này đã tăng trong 12 tháng qua. Ảnh: Internet

Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu

Thứ hai, chi tiêu của các chính phủ đã tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đi lên, giúp giảm bớt tác động của các cú sốc kinh tế vốn đã ít "thảm khốc" hơn dự kiến.

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy châu Âu vào "suy thoái ngắn hạn" trong mùa đông vừa qua, khu vực này vẫn tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn mà một số nhà phân tích từng cảnh báo. Chính phủ các nước châu Âu đã cam kết hỗ trợ chi tiêu lên tới 850 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá dầu và khí đốt tự nhiên hạ nhiệt trong năm nay, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Âu bằng cách nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và giảm bớt áp lực lên ngân sách các chính phủ.

Tại Mỹ, chính sách tài khoá đã tạo ra cú hích cho nền kinh tế. Trong năm nay, nguồn vốn liên bang tiếp tục chảy ra từ Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành năm 2021. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng cung cấp thêm hàng trăm tỷ USD để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo và chất bán dẫn.

Độ trễ của chính sách

Thứ ba, theo WSJ, cần có thời gian để chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương tác động đến nền kinh tế, làm giảm tốc tăng trưởng lẫn lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) lần đầu tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 12/2021, trong khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần lượt bắt đầu chu kỳ thắt chặt vào tháng 3 và tháng 7/2022.

Theo ông Dario Perkins, Giám đốc cấp cao của TS Lombard, lãi suất cao hơn đang làm chậm tốc độ tăng trưởng nhưng theo những cách thức không rõ ràng. Chẳng hạn như bằng cách khiến doanh nghiệp từ bỏ kế hoạch mở rộng dưới áp lực của lãi suất cao.

"Có vẻ chính sách tiền tệ hiện không phát huy tác dụng, nhưng thực tế là có", ông Dario Perkins nhận xét.

Nhiều nhà kinh tế vẫn dự đoán suy thoái sẽ xuất hiện trong 6 - 18 tháng tới, do các đợt tăng lãi suất trước đây hoặc cũng có thể do các động thái sắp tới. Tuy nhiên, các chuyên gia khó có thể đánh giá chính xác mức lãi suất là bao nhiêu bởi các tín hiệu từ nền kinh tế đang khá lẫn lộn.

Tại Mỹ, hoạt động tuyển dụng vẫn diễn ra mạnh mẽ nhưng số giờ làm trung bình đã giảm trong tháng 5 và số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng trong những tuần gần đây lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.

Giá năng lượng và tạp hoá giảm đã giúp lạm phát của Mỹ giảm xuống mức 4% vào tháng 5. Tháng 9 năm ngoái, lạm phát từng đạt đỉnh trong bốn thập kỷ là 9,1%. Phạm vi tăng giá cũng đã hẹp lại. Trong tháng 5, chưa đến 50% mặt hàng trong rổ hàng hoá dùng để tính CPI tăng hơn 5%. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với mức 80% vào năm ngoái.

Song, các ngân hàng trung ương vẫn lo lắng về việc lạm phát lõi không hạ nhiệt nhanh chóng. Lạm phát lõi không tính giá năng lượng và thực phẩm, là thước đo giúp dự đoán chính xác áp lực giá trong tương lai.

Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo, việc đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương có thể khó hơn dự kiến. Theo BIS, lạm phát càng dai dẳng thì càng có khả năng người tiêu dùng sẽ điều chỉnh hành vi. Trong kịch bản đó, các ngân hàng trung ương có thể phải gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn để buộc lạm phát về mục tiêu 2%.

Chuyên đề