Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước đối với DNNN

(BĐT) - Tại cuộc làm việc về việc thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập cơ quan này.

 

Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước đối với DNNN

Phó Thủ tướng nêu rõ việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN là chủ trương của Đảng. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng thống nhất việc thành lập cơ quan này.

Việc thành lập cơ quan này nhằm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND các cấp để các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Đề án thành lập cơ quan này phải rất chi tiết. Cụ thể là Đề án cần thể hiện rõ các nội dung về sự cần thiết và căn cứ thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, lưu ý tới việc dự báo cho giai đoạn sau năm 2020 khi số lượng DNNN sẽ giảm đi, chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt; vai trò của DNNN được nâng lên và hiệu quả tốt hơn.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần làm rõ hơn trong Đề án về 5 chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần làm nổi bật trong mục tiêu của Đề án về việc tập trung thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì cách làm phân tán như hiện nay. “Việc thành lập cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách, Phó Thủ tướng cho rằng, cơ soạn thảo cần cụ thể hóa các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quyền trực tiếp của cơ quan này thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước (tại các Điều 40, 41, 42, 43 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN); tham mưu phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chính phủ thực hiện các quyền chủ sở hữu; giám sát, thanh tra, quản lý hoạt động đầu tư quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện chức năng, quyền hạn của mình.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ KH&ĐT phải làm rõ cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và tài chính của cơ quan này ngay trong Đề án cũng như rà soát các văn bản pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bãi bỏ các văn bản quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp.

Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau như tên gọi, mô hình tổ chức, phạm vi quản lý và lộ trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích sâu các phương án để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết sẽ sớm hoàn thiện Đề án trong tuần sau để sớm báo cáo Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình lên Bộ Chính trị thảo luận.

Chuyên đề