Đây là những sản phẩm thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất máy biến áp truyền tải 220 - 500 kV, công suất đến 450 MVA do Hanaka làm chủ đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg.
Hanaka xin được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc giao thầu đối với sản phẩm cơ khí trọng điểm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tháng 12/2018, dự án nêu trên đã hoàn thành, có thể sản xuất được máy biến áp điện áp 220 kV, 500 kV. Đây là dự án cơ khí trọng điểm được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ cho vay vốn.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Hanaka, hiện Dự án đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm do Nhà máy sản xuất. Lý do là, hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mời thầu đưa ra điều kiện gây ra trở ngại lớn đối với sản phẩm máy biến áp của Hanaka sản xuất trong khi tiền đầu tư một sản phẩm máy biến áp rất lớn.
Cụ thể, đối với sản phẩm máy biến áp 500 kV trị giá khoảng 10 triệu USD, Hanaka đang đàm phán với nhà cung cấp chuyển giao thiết kế công nghệ kỹ thuật số tự động hóa hiện đại (4.0). Với số tiền đầu tư lớn như vậy, nhưng Hanaka lại phải đợi từ 3 đến 5 năm và cần có chứng nhận vận hành thành công trên lưới điện của EVN thì mới đáp ứng yêu cầu của HSMT. “Quy định như trên về điều kiện tham gia các gói thầu của EVN là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong khi Tập đoàn vẫn phải thu xếp dòng tiền để đầu tư Dự án và chi phí lớn phải trả lãi vay ngân hàng hàng năm”, Hanaka kêu khó và khẳng định chỉ cần có đầu ra là Dự án hoạt động.
Cũng theo Hanaka, một dự án mới đầu tư xây dựng thì chưa thể có năng lực và kinh nghiệm sản xuất được mà chỉ có năng lực và kinh nghiệm của chuyển giao công nghệ hoặc sử dụng kinh nghiệm thiết kế, chế tạo, trí tuệ con người của những hãng sản xuất máy biến áp khác trong nước hoặc nước ngoài.
Ngoài khó khăn về đầu ra, trong công văn gửi Bộ Công Thương, Hanaka còn cho biết, do thủ tục hành chính kéo dài nên đến tháng 12/2015 Hanaka mới được VDB ký hợp đồng tín dụng, do vậy tiến độ giải ngân Dự án rất chậm trễ.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu mua sắm thiết bị theo quy định và đáp ứng tiến độ giải ngân, Hanaka gặp nhiều khó khăn khác như: khó khăn về việc mua công nghệ; để tránh sai sót về thiết bị, Tập đoàn phải tiến hành nhiều chuyến đi khảo sát thực tế tại nhà máy sản xuất thiết bị để đánh giá năng lực nhà thầu; khó khăn tìm đối tác sản xuất và cung cấp thiết bị đặc chủng…
Trước nút thắt tìm đầu ra cho các sản phẩm máy biến áp, Hanaka đề xuất Bộ Công Thương gửi ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án của Hanaka tiếp tục được hưởng chính sách chỉ định thầu hoặc giao thầu đối với sản phẩm cơ khí trọng điểm của doanh nghiệp theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg.
Khoản vay nhiều tỷ đồng có nguy cơ nợ xấu?
Đáng chú ý, theo Hợp động tín dụng đầu tư số 01/2015/HĐTD-NHPT giữa VDB và Hanaka ký kết ngày 12/2/2015, Dự án có tổng mức đầu tư là 862,761 tỷ đồng, trong đó VDB tài trợ cho Hanaka khoản vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trị giá 536 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục thiết bị thực hiện Dự án.
Thời hạn cho vay tối đa là 114 tháng kể từ thời điểm giải ngân khoản vay đầu tiên. Thời hạn ân hạn tối đa là 18 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng. Lãi suất tại thời điểm ký Hợp đồng là 9,6%/năm.
Để bảo đảm khoản vay, Hanaka dùng tài sản thế chấp gồm các tài sản gắn liền với đất và thiết bị hình thành trong tương lai của Dự án, với tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng tổng mức đầu tư Dự án.
Ngày 31/12/2018, VDB và Hanaka ký kết Hợp đồng tín dụng đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Hợp đồng số 01/2015/HĐTDĐT-NHPT và các hợp đồng tín dụng đầu tư sửa đổi, bổ sung ký giữa hai đơn vị, trong đó có nội dung sửa đổi số tiền cho vay, đồng tiền cho vay và trả nợ. Theo đó, VDB cho Hanaka vay 465 tỷ đồng thực hiện Dự án. Thời hạn trả nợ gốc tối đa là 87 tháng, thời điểm bắt đầu trả nợ gốc là quý IV/2018. Kỳ hạn cụ thể là từ quý I đến quý III/2019 là 6 tỷ đồng; từ quý IV/2019 -quý IV/2025 là 459 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này là quý IV/2019 mà Nhà máy vẫn đang mò mẫn tìm đầu ra cho sản phẩm. “Không có đầu ra, Tập đoàn sẽ không có nguồn tiền trả lãi, trả gốc ngân hàng và trả lương cho người lao động”, Hanaka lo ngại. Như vậy, việc Hanaka không tìm được đầu ra cho các sản phẩm của Nhà máy, đồng nghĩa với việc khoản tiền mà VDB cho Hanaka vay thực hiện Dự án có thể trở thành khoản nợ khó trả.
Trong khi đó, các thông tin đưa ra gần đây cho thấy, ngoài ngành nghề kinh doanh chính là các thiết bị ngành điện thì Công ty CP Tập đoàn Hanaka cũng chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.
Công ty CP Tập đoàn Hanaka có địa chỉ tại Khu công nghiệp Hanaka tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông Mẫn Ngọc Anh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty.