Brexit không thỏa thuận - còn gọi là Brexit cứng - có thể kéo dài cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 300 năm của Anh - Ảnh: Getty Images |
Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách - Cơ quan giám sát tài khóa độc lập của Anh -nền kinh tế nước này có thể sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất 300 năm nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Việc phục hồi sẽ càng khó khăn và lâu hơn trong bối cảnh Covid-19.
Cơ quan này dự báo việc Anh rời khỏi EU - còn gọi là Brexit - mà không đạt được thỏa thuận sẽ khiến GDP của nước này thiệt hại 2% vào năm tới và mất thêm 1,5% sau 5 năm so với kịch bản đạt được thỏa thuận.
Theo CNN, các cuộc thảo luận đang bị gián đoạn bởi 3 vấn đề: quyền đánh bắt hải sản, hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp và phương thức giải quyết các tranh chấp. Thủ tướng Anh Borris Johnson sẽ phải quyết định xem liệu việc kiên định với chủ quyền quốc gia trong cả ba vấn đề trên có đáng để chấp nhận cái giá mà kinh tế Anh phải đánh đổi trong trường hợp đàm phán thất bại hay không.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách cho biết trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, các loại thuế quan, hạn ngạch xuất khẩu, các thủ tục hành chính cùng nhiều rảo cản thương mại khác sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Và điều này sẽ càng khiến kinh tế Anh chậm phục hồi khỏi cuộc suy thoái vì đại dịch Covid-19 vốn đã kéo dài gần một năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này cũng sẽ càng tăng cao.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, kể cả khi đạt được một thỏa thuận với EU, kinh tế Vương quốc Anh vẫn phải đối mặt với vô số chông gai. Cơ quan này dự báo GDP của Anh sẽ sụt 11,3% trong năm nay - mức giảm lớn nhất kể từ Cuộc khủng hoảng Mùa đông năm 1709, khi châu Âu trải qua mùa đông lạnh nhất 500 năm, gây ra tử vong trên diện rộng và hủy hoại ngành nông nghiệp.
Kể cả khi đạt được một thỏa thuận Brexit, kinh tế Anh vẫn phải chịu "vết sẹo" vĩnh viễn, khiến GDP sụt 3% theo kịch bản trung bình, trong đó các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 được duy trì tới mùa xuân năm sau.
Ngày 25/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố kế hoạch chi ngân sách 4,3 tỷ Bảng (5,7 tỷ USD) để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng với các biện pháp như hỗ trợ việc làm cho người trẻ và nâng cao năng lực của các trung tâm hỗ trợ.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách dự báo tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ tăng lên 7,5% trong quý 2/2021, tương đương 2,6 triệu người không có việc làm, cao hơn 1 triệu người so với mức hiện tại. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận Brexit, tỷ lệ này được dự báo đạt kỷ lục 8,3% trong quý 3/2021 và tiến trình phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch sẽ kéo dài tới tận quý 3/2023.
"Tình trạng khẩn cấp về y tế của đất nước vẫn chưa qua đi, và chúng ta giờ đây chúng ta lại đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế", Bộ trưởng Sunak phát biểu trước Quốc hội Anh và cho biết chính phủ dự kiến chi 280 tỷ Bảng (373 triệu USD) để đưa đất nước vượt qua đại dịch.
Đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung uơng Anh Andrew Bailey nhận định, trong dài hạn, suy giảm kinh tế do không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ tồi tệ hơn nhiều so với đại dịch.
Kể cả khi hai bên đạt được thỏa thuận, các công ty của Anh sẽ vẫn đối mặt với chi phí kinh doanh tăng cao, như các chi phí liên quan tới thủ tục kiểm tra hải quan, quy định hải quan, đồng thời vẫn phải chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa EU và Vương quốc Anh đạt giá trị gần 900 tỷ USD.