Sức cầu yếu, DN thép điêu đứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong một văn bản gửi đối tác, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết phải dừng hoạt động một số lò cao từ tháng 11/2022 và nếu sức cầu không cải thiện, số lượng lò cao phải đóng cửa sẽ tiếp tục tăng. Trước đó, không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đã phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa lò cao, cho công nhân nghỉ việc.
Do sức cầu của thị trường thép đang rất yếu nên DN phải thông báo dừng hoạt động lò sản xuất thép. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Do sức cầu của thị trường thép đang rất yếu nên DN phải thông báo dừng hoạt động lò sản xuất thép. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, kể từ tháng 11/2022, Tập đoàn Hòa Phát dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương. Trong tháng 12, Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Lý do dừng lò được Hòa Phát đưa ra là để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Nói rõ hơn về lý do DN phải thông báo dừng hoạt động lò sản xuất thép, nguồn tin của Báo Đấu thầu chia sẻ là do sức cầu của thị trường thép đang rất yếu. Trên thế giới, nhiều nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái, giá đầu vào sản xuất tăng cao, việc sản xuất cũng như xuất khẩu rất khó khăn. Ở thị trường trong nước, hoạt động đầu tư xây dựng “im lìm”, giá thép trong nước cũng suy giảm, hàng tồn kho của DN vẫn lớn.

Tất cả những yếu tố này buộc DN phải dừng hoạt động một số lò cao, bởi nếu cứ sản xuất thì thiệt hại còn lớn gấp nhiều lần, sản phẩm làm ra bán không ai mua. Hiện Hòa Phát đã phải cho công nhân làm việc luân phiên để duy trì hoạt động, theo đó, chắc chắn thu nhập của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong tháng 10/2022, sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát đạt 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021.

Từ quý III/2022 đến nay, sản lượng sản xuất và bán hàng của Hòa Phát giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.

Tại Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, khó khăn của thị trường khiến Công ty phải dừng sản xuất hơn 3 tháng qua. Lãnh đạo DN này cho biết, do dừng sản xuất nên không có nguồn thu, trong khi vẫn phải chi trả lãi ngân hàng, bảo dưỡng máy móc thiết bị, trợ cấp ổn định đời sống hơn 400 công nhân nên Công ty đang rất khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ của Công ty cho hay, DN mới quay trở lại hoạt động được ít ngày nhưng với tình hình thị trường khó khăn hiện nay, việc duy trì hoạt động là rất khó khăn chứ chưa nói đến việc đẩy mạnh sản xuất.

Trước đó, một DN lớn khác trong ngành thép là Công ty CP Pomina đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số cán bộ công nhân viên do tạm dừng hoạt động sản xuất của lò cao từ ngày 23/9/2022. Thậm chí, có một số thông tin cho rằng, DN đang tính phương án rao bán nhà máy…

Nhiều DN khác như: Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… cũng cho biết đang có lượng hàng tồn kho rất lớn.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh trong quý IV cũng như cả năm 2023, hầu hết DN sản xuất thép nhận định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường sẽ tiếp tục suy yếu. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới ngành thép.

Tuy nhiên, các DN cũng kỳ vọng, ở trong nước, việc Chính phủ thúc tiến độ giải ngân đầu tư công và nhiều công trình tăng tốc hoàn thiện trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp thị trường thép ấm trở lại.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, phần lớn DN chủ trương thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm tiết giảm tối đa chi phí, triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tối đa rủi ro, đồng thời sẵn sàng tận dụng cơ hội khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều. Một số DN cũng kiến nghị Chính phủ kìm đà tăng lãi suất để hỗ trợ DN giảm chi phí vốn.

Chuyên đề