Sửa quy định phòng, chống rửa tiền: Chú trọng giám sát thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT), việc xem xét sửa đổi các quy định về PCRT là cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi công nghệ số, kinh tế số phát triển mạnh mẽ, phương thức rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo một số chuyên gia, điều quan trọng là phải giám sát việc thực hiện các quy định này một cách chặt chẽ.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9/2020, Ngân hàng Nhà nước nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chủ yếu là từ các ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9/2020, Ngân hàng Nhà nước nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chủ yếu là từ các ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9/2020, NHNN đã nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR). Trong đó, số lượng báo cáo từ các ngân hàng chiếm khoảng 83%; số lượng báo cáo từ các công ty bảo hiểm và các đối tượng khác chiếm khoảng 17%.

Nhóm đối tượng là các công ty tài chính, trung gian thanh toán, công ty kinh doanh dịch vụ trò chơi có thưởng, sòng bạc có số lượng báo cáo còn rất hạn chế (chỉ 7 STR); nhóm đối tượng trong lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán và kinh doanh bất động sản hiện chưa có báo cáo STR.

Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở dữ liệu của Cục PCRT thuộc NHNN tiếp nhận khoảng 280.000 giao dịch. Từ kết quả phân tích báo cáo STR, Cục PCRT đã tham mưu trình lãnh đạo các cấp chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2013 đến tháng 9/2020, Cục PCRT đã chuyển giao 857 vụ việc liên quan đến 5.614 báo cáo STR cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong quá trình thu thập, xử lý báo cáo STR, báo cáo tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo chuyển tiền điện tử, Cục PCRT đã phát hiện nhiều yếu tố/dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến gian lận hoặc hoạt động phạm tội của các tổ chức, cá nhân, từ đó đề xuất, tham mưu cho các cấp lãnh đạo hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan để có các biện pháp xử lý phù hợp.

Cục PCRT đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến khoảng 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, 15 vụ việc liên quan đến thuế, hải quan. Cơ quan chức năng đã truy thu hơn 400 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Đó là những kết quả tích cực từ việc thực hiện Luật PCRT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013.

Tuy nhiên, theo NHNN, qua hơn 8 năm triển khai, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới và đòi hỏi thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung.

NHNN nêu một số định hướng sửa đổi là: mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác PCRT; sửa đổi, bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng đối tượng báo cáo; áp dụng các biện pháp thích hợp quản lý rủi ro về rửa tiền; hoàn thiện các quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo; hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin PCRT; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc đề xuất sửa đổi các quy định về PCRT là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, vì rửa tiền là hiện tượng tài chính làm thiệt hại rất nhiều cho các nền kinh tế. Đáng chú ý, hành vi rửa tiền gây thất thu ngân sách nhà nước, làm nảy sinh và thúc đẩy các hoạt động kinh tế ngầm, đồng thời có thể thúc đẩy các loại hình tội phạm khác…

“Việc mở rộng đối tượng phải báo cáo là rất cần thiết, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực rủi ro lớn như bất động sản, tiền ảo. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó có thể công khai và kiểm soát được các giao dịch đáng ngờ. Quan trọng hơn hết là giám sát chặt chẽ việc thực thi các quy định về PCRT để đảm bảo hiệu quả thực thi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề