Sửa Luật số 69/2014/QH13: Cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Trao đổi với Báo Đấu thầu về Dự thảo, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần cân nhắc một số điểm sửa đổi về đối tượng áp dụng, điều chuyển quỹ phát triển doanh nghiệp.
Việc thay thế Luật số 69/2014/QH13 hiện hành là cần thiết để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn, đồng thời thể chế hóa các chủ trương mới về đầu tư và quản lý vốn nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Việc thay thế Luật số 69/2014/QH13 hiện hành là cần thiết để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn, đồng thời thể chế hóa các chủ trương mới về đầu tư và quản lý vốn nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông, những nội dung đáng chú ý nhất cần xem xét sửa đổi tại Luật số 69/2014/QH13 (Luật số 69) là gì?

Việc xây dựng Luật thay thế Luật số 69 nhằm xử lý những vướng mắc, bất cập trong 10 năm thực hiện. Ngoài ra, quan trọng hơn là thể chế hóa chủ trương mới về đầu tư, quản lý vốn nhà nước cũng như tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với 3 mục tiêu chính.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất - kinh doanh. Thứ hai, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước; huy động và phát huy hết các nguồn lực để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò hiến định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Phạm Đức Trung

Ông Phạm Đức Trung

Về đối tượng áp dụng, điểm mới của Dự thảo Luật là quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước bao gồm “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác”. Xin ông chia sẻ quan điểm về cách quy định mới này?

Theo Luật số 69 hiện hành, “doanh nghiệp có vốn nhà nước” chỉ bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn trực tiếp (thường gọi là doanh nghiệp cấp 1). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp cấp 1 (gọi là doanh nghiệp cấp 2) không được xem là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Điểm mới của Dự thảo Luật là quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp cấp 1 và doanh nghiệp cấp 2.

Việc xác định doanh nghiệp cấp 2 thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước là điểm mới, đồng thời cũng có sự hợp lý nhất định khi xét trên yêu cầu quản lý dòng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

Tuy vậy, dưới góc độ quyền tài sản của pháp nhân doanh nghiệp cũng như mục tiêu nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, cần xem xét, cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng hơn quy định “mới” nêu trên. Lý do là vốn nhà nước sau khi đã đầu tư và hình thành nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cấp 1 thì trở thành vốn/tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp, và vì vậy, vốn đầu tư của doanh nghiệp cấp 1 tại doanh nghiệp cấp 2 cần được xác định là vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp cấp 1, không còn là vốn chủ sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp 2 dẫn tới mở rộng quy mô và phạm vi quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý vốn nhà nước, giảm quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp cấp 1.

Với những lý do nêu trên, tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, quy định về doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của DNNN như Luật số 69 hiện hành là phù hợp hơn.

Về quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, Dự thảo Luật thêm quy định về điều chuyển quỹ giữa các doanh nghiệp. Theo ông, quy định này có phù hợp trong bối cảnh hiện nay không?

Đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu là người quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp.

Đối với DNNN đa sở hữu, việc sử dụng lợi nhuận sau thuế (trong đó có quỹ đầu tư phát triển) thuộc thẩm quyền quyết định của các chủ sở hữu/cổ đông/thành viên. Nhà nước chỉ có thể quyết định đối với phần lợi nhuận đã được chia theo tỷ lệ vốn góp của chủ sở hữu nhà nước.

Đối với doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, về nguyên tắc, chủ sở hữu nhà nước quyết định phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế, trong đó có quỹ đầu tư phát triển để phục vụ các mục tiêu đầu tư vốn nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc tổng thể nền kinh tế. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, tôi đồng tình với nhiều ý kiến về việc hạn chế các trường hợp điều chuyển quỹ đầu tư phát triển nhằm khuyến khích, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Với định hướng phát triển các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn, có vai trò đầu đàn, theo ông, Dự thảo Luật cần có những quy định gì?

Thực hiện định hướng này liên quan đến một hệ thống các giải pháp đồng bộ khác nhau, không chỉ tại Luật số 69, cơ bản là trao quyền chủ động hơn cho DNNN. Trước hết là chủ động về tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, về việc huy động vốn và thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; chủ động thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc theo cơ chế thị trường và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Ông đánh giá như thế nào về các quy định tại Dự thảo Luật về giám sát, thanh tra doanh nghiệp có vốn nhà nước?

Dự thảo Luật không có nhiều quy định mới so với Luật số 69 hiện hành, bao gồm các nội dung chính như mục tiêu, nội dung và chủ thể giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, do mở rộng đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước nên phạm vi giám sát cũng được mở rộng theo. Công cụ giám sát cơ bản vẫn dựa trên chế độ báo cáo và công bố, công khai thông tin như hiện nay, chưa có quy định mới về áp dụng các công cụ giám sát dựa trên nền tảng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại để các chủ thể giám sát nắm bắt được thông tin kịp thời, thường xuyên, liên tục và “theo thời gian thực”.

Ngoài ra, Dự thảo Luật có quy định về Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn ý kiến băn khoăn về sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia khác, đồng thời cũng có sự chồng chéo nhất định với Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, trong đó có DNNN.

Bộ Tài chính đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp có nhiều thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Chuyên đề