Sửa đổi quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công: Băn khoăn về đối tượng áp dụng

(BĐT) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP với việc bổ sung thêm một số đối tượng doanh nghiệp (DN) phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng DN theo đề xuất của Bộ Tài chính đã không nhận được sự đồng thuận của Bộ Tư pháp.
Theo Bộ Tư pháp, việc mở rộng đối tượng áp dụng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có thể ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ Tư pháp, việc mở rộng đối tượng áp dụng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có thể ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Cơ quan tư pháp cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng đang có mâu thuẫn với quy định tại một số luật liên quan và có thể ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương khi thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (sau đây gọi tắt là Nghị định số 167) trong năm 2018, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tổng số 2.013 cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của 11 bộ, ngành, địa phương và 4 tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt, vẫn còn đó những vướng mắc được một số bộ, ngành và địa phương phản ánh. Một trong những nội dung được phản ánh là việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có công ty thành viên đang sử dụng nhiều cơ sở nhà, đất cần có quy định cụ thể cho đối tượng này.

Trong quý II/2019, Bộ Tài chính đã có Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167, trong đó có quy định rõ hơn về đối tượng DN áp dụng Nghị định số 167. Theo đó, DN phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất không chỉ là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, mà còn nhiều đối tượng DN khác.

Cụ thể là, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty độc lập do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp có vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là DN I). Tổng công ty, công ty độc lập do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty độc lập (DN cấp I) nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty cổ phần, công ty TNHH do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty độc lập (DN cấp I) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là DN cấp II). DN do tổng công ty, công ty độc lập (DN cấp II) nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty cổ phần, công ty TNHH do công ty cấp II nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là DN cấp III).

Đưa ý kiến thẩm định về Dự thảo Nghị định, quan điểm của Bộ Tư pháp cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng đến DN cấp II, DN cấp III như quy định của Dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Bộ Tư pháp phân tích, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Nhà nước, DNNN chỉ có quyền đối với các tài sản đã góp vốn vào DN, bao gồm nhà cửa, đất đai tại các DN thông qua quyền biểu quyết của cổ đông, thành viên góp vốn chứ không thể trực tiếp can thiệp vào việc quản lý, sử dụng tài sản của DN.

Do đó, việc quy định như Dự thảo Nghị định sẽ ảnh hưởng lớn đến cổ phần hóa của các DNNN theo chủ trương của Chính phủ bởi khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Bộ Tư pháp đề nghị không quy định các DN cấp II, DN cấp III có cổ phần, vốn góp chi phối của DN cấp I, DN cấp II phải thực hiện các quy định về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167.

Trong văn bản mới nhất báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính đã có đề xuất cụ thể về đối tượng DN cấp II và DN cấp III. Theo đó, Dự thảo Nghị định nêu rõ, ngoài DN cấp I thì tổng công ty, công ty độc lập có vốn góp của DN cấp I (DN cấp II) mà có tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ; tổng công ty, công ty độc lập có vốn góp của DN cấp I (nếu có) và có vốn góp của DN cấp II (DN cấp III) mà có tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ được Bộ Tài chính đề xuất sẽ là đối tượng áp dụng của Nghị định nếu được Chính phủ thông qua.

Chuyên đề