Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai. Riêng đối với công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách, có phân cấp thẩm quyền khi điều chỉnh quy hoạch.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách

Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đối với Luật Quy hoạch, Dự án Luật quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt; quy định “quy hoạch đô thị và nông thôn” là "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” để phù hợp với tính chất của loại quy hoạch này và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch; đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch; sửa đổi quy định về “Danh mục dự án” thành “Danh mục dự kiến” các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên...

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách theo nguyên tắc: (i) việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; (ii) xác định các trường hợp điều chỉnh rút gọn để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và để xử lý quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn hoặc với quy hoạch cùng cấp; (iii) phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch cho Chính phủ trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Bình Thuận) bày tỏ đồng thuận với việc điều chỉnh trình tự thủ tục rút gọn đối với Luật Quy hoạch, bởi trong thực tiễn có nhiều tình huống, nếu chỉ thực hiện đầy đủ tất cả quy trình thủ tục như Luật Quy hoạch hiện hành sẽ gây ra những ách tắc. Quan tâm đến nội dung điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Lê Quang Huy đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp cho phép điều chỉnh cục bộ với những trường hợp rất nhỏ mà không làm thay đổi mục tiêu, quan điểm, những nội dung chính của quy hoạch và để Chính phủ có thể quyết định việc điều chỉnh này.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) nêu vấn đề, theo Luật Quy hoạch, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, các tỉnh lập kế hoạch thực hiện quy hoạch trình các bộ, ngành thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch trên các nội dung cụ thể hóa các nội dung chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch tỉnh. Đại biểu này đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung phân cấp phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cho các địa phương để chủ động trong triển khai thực hiện Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trường hợp “mâu thuẫn trong nội dung quy hoạch được xác định trong nhiều cấp quy hoạch” do hiện nay một số nội dung được phê duyệt trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia có sự mâu thuẫn với nội dung thực tế và định hướng quy hoạch trong quy hoạch tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng thuận với các nội dung sửa đổi trước mắt của Luật Quy hoạch và đề nghị xem xét tổng thể thời điểm để hiệu chỉnh các quy định của Luật Quy hoạch nhằm giải quyết các vấn đề căn cơ hơn trong công tác quy hoạch. Góp ý trực tiếp vào khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật điều chỉnh bổ sung một số nội dung liên quan tới nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất nghiên cứu bổ sung các điều khoản chuyển tiếp để xử lý các trường hợp đang thực hiện dở dang, bảo đảm việc thanh quyết toán được thuận lợi; bổ sung thêm nội dung đối với những trường hợp đã bố trí nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch và đã thanh toán trước thời điểm Luật có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo nguồn vốn đã bố trí mà không phải điều chỉnh lại theo quy định của Luật mới này.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trước Quốc hội sáng ngày 30/10/2024

Phát biểu tại cuộc họp Tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải đáp, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (cụ thể là Luật Quy hoạch). Bộ trưởng nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật lần này đã cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, theo trình tự thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật cũng đã xác định rõ 4 căn cứ, nguyên tắc để điều chỉnh quy hoạch. "Với các ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội hàm nữa thì cơ quan soạn thảo sẽ rà soát lại, chỉnh sửa câu chữ rõ ràng hơn", Bộ trưởng cho biết.

Thời gian vừa qua, các quy hoạch ngành quốc gia đã đưa các dự án cụ thể vào trong quy hoạch dẫn đến việc “bó cứng” các quy hoạch này trong việc thay đổi từ dự án này sang dự án kia, thay đổi thông tin cụ thể trong từng dự án cũng dẫn đến phải thay đổi lại quy hoạch, phải điều chỉnh lại. Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các quy hoạch chuyên ngành chỉ nên đưa ra các định hướng phát triển ngành với những thông số tổng quát để bảo đảm chỉ tiêu tổng quát phát triển ngành trong kỳ quy hoạch là bao nhiêu, theo hướng nào… còn với chi tiết cụ thể từng dự án thì không nên đưa vào các luật quy hoạch chuyên ngành này.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ được Quốc hội dự kiến thảo luận ở Hội trường vào chiều ngày 6/11/2024, trước khi được biểu quyết thông qua dự kiến vào sáng ngày 29/11/2024.

Chuyên đề